Cảng Quốc tế Cam Ranh - Trung tâm cung ứng hậu cần kỹ thuật và cửa ngõ giao thương quốc tế

24/06/2024

Cảng Quốc tế Cam Ranh - Trung tâm cung ứng hậu cần kỹ thuật và cửa ngõ giao thương quốc tế

Với vị trí chiến lược và hạ tầng hiện đại, Cảng Quốc tế Cam Ranh đang trở thành trung tâm cung ứng hậu cần kỹ thuật hàng đầu và là cửa ngõ giao thương quan trọng của Việt Nam ra thế giới. Tận dụng lợi thế cảng nước sâu và kín gió, Cảng Quốc tế Cam Ranh không chỉ nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho tỉnh Khánh Hòa và góp phần tạo động lực quan trọng trong chuỗi cung ứng logistics cho Việt Nam và khu vực.

Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn tổ chức Hội nghị khách hàng tại Cam Ranh
Chiều 21/6, tại TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (Tân cảng Sài Gòn) tổ chức Hội nghị khách hàng. Đại tá Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng Giám đốc Tân cảng Sài Gòn chủ trì. Tham dự có lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa và hơn 170 khách mời là tùy viên quân sự các nước tại Việt Nam; đại diện các hãng tàu, đại lý tàu du lịch, các khách hàng xuất - nhập khẩu từ các khu vực trong cả nước.
Tại hội nghị, các đại biểu trao đổi về tiềm năng hợp tác phát triển dịch vụ cảng biển, logistics, dịch vụ cung ứng, dịch vụ đại lý cho tàu quân sự nước ngoài và dịch vụ sửa chữa đầu bến cho tàu quân sự, dân sự và dịch vụ tiếp đón tàu khách quốc tế của Công Ty TNHH Tân Cảng - Petro Cam Ranh (Cảng Quốc tế Cam Ranh) thuộc Tân cảng Sài Gòn.
Các đại biểu khẳng định: Với tiềm năng, lợi thể của Cảng Quốc tế Cam Ranh như: Sở hữu hơn 2.100m cầu cảng với độ sâu trung bình 20m, đủ năng lực tiếp nhận tàu sân bay, tàu quân sự, tàu hàng với trọng tải đến 110.000 tấn; tàu khách du lịch 5 sao đến 225.000 tấn; giàn khoan dầu khí có chiều chìm đến 200m nước và là cảng đầu tiên tại Việt Nam được thiết kế cho phép neo đậu tàu an toàn trong điều kiện giông bão đến cấp 8… Cùng sự đầu tư, phát triển mạnh mẽ, kỳ vọng Cảng Quốc tế Cam Ranh sẽ phát triển thành trung tâm dịch vụ logistics tại TP.Cam Ranh, trở thành trung tâm dịch vụ logistics lớn của tỉnh Khánh Hòa, khu vực Nam Trung Bộ- Tây nguyên cũng như của cả nước.
Phó Tổng Giám đốc TCT TCSG – Ông  Bùi Văn Quỳ chủ trì hội thảo

Định hướng chiến lược phát triển cảng biển và logistics tỉnh Khánh Hòa
Trong cuộc họp đầu tháng 6/2024 vừa qua, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về phát triển logistics trên địa bàn tỉnh và giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch phát triển logistics giai đoạn 2025 - 2035 với những định hướng dài hạn; trước mắt có kế hoạch phát triển logistics năm 2024, trong đó có 2 trung tâm dịch vụ logistics tại TP. Cam Ranh và khu vực Nam Vân Phong.
Chính quyền tỉnh Khánh Hòa đã xác định cảng biển và logistics là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế. Những định hướng chiến lược chính bao gồm:
  • Đầu tư và nâng cấp cơ sở hạ tầng: Tăng cường đầu tư vào hạ tầng cảng biển, bao gồm mở rộng bến cảng, nâng cao năng lực tiếp nhận tàu trọng tải lớn và hiện đại hóa thiết bị bốc xếp hàng hóa.
  • Phát triển dịch vụ logistics: Xây dựng các khu vực logistics tập trung với các dịch vụ chất lượng cao như kho bãi, vận chuyển, và phân phối hàng hóa. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối giữa cảng biển và các khu công nghiệp trong khu vực.
  • Tăng cường hợp tác quốc tế: Mở rộng quan hệ hợp tác, đối ngoại với đối tác trong nước, quốc tế nhằm học hỏi kinh nghiệm và thu hút đầu tư nước ngoài.
Đồng chí Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu định hướng phát triển ogistics của tỉnh tại Hội nghị

Cảng Quốc tế Cam Ranh - Trung tâm cung ứng hậu cần kỹ thuật và cửa ngõ giao thương quốc tế
Cảng quốc tế Cam Ranh- với vị trí chiến lược nằm tại tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam- có vị trí nằm cách đường hàng hải 50 hải lý, nối thông với Biển Đông; sở hữu hơn 2100 mét cầu cảng với độ sâu trung bình -20 m, đủ năng lực tiếp nhận tàu sân bay, tàu quân sự, tàu hàng với trọng tải đến 110.000 DWT; Tàu khách du lịch 5 sao đến 225.000 GT; Giàn khoan dầu khí có chiều chìm đến 200 mét nước và là cảng đầu tiên tại Việt Nam được thiết kế cho phép neo đậu tàu an toàn trong điều kiện giông bão đến cấp 8 beaufort. Hệ thống nhà kho khô, kho mát đảm bảo tiêu chuẩn lưu giữ hàng hóa an toàn.
Trong những năm gần đây, Cảng Quốc tế Cam Ranh đã đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghệ hiện đại, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Với khả năng tiếp nhận tàu biển đa dạng với trọng tải lớn và cung cấp các dịch vụ hậu cần kỹ thuật toàn diện, Cảng Quốc tế Cam Ranh đang trở thành điểm đến lý tưởng cho các hoạt động vận tải và logistics quốc tế. Đồng thời dần khẳng định vai trò của một trung tâm cung ứng hậu cần kỹ thuật hàng đầu và là cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng tại khu vực Đông Nam Á. Tính từ thời điểm Khai trương đi vào hoạt động từ 08/3/2016, Cảng quốc tế Cam Ranh đã cung ứng dịch vụ hậu cần, kỹ thuật cho gần 1000 tàu quốc tế và nội địa. Trong đó có 100 tàu hải quân của 14 quốc gia cập cảng thực hiện các chuyến thăm chính thức, thăm xã giao Việt Nam cũng như ghé đậu kỹ thuật, bổ sung hậu cần. Song song với đó, cảng cũng cung ứng tốt các dịch vụ xếp dỡ hàng hoá, lưu kho, bãi cho hàng trăm tàu hàng với đa dạng chủng loại hàng hoá như thiết bị quân sự, thiết bị điện gió, thiết bị ray sắt, cá ngừ, cát trắng… 
Cùng với đó, cảng Quốc tế Cam Ranh phát huy lợi thế hệ sinh thái cảng-logistics của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCT TCSG) tại khu vực miền Trung cũng như cả nước. TCT TCSG là doanh nghiệp khai thác cảng – logistics sở hữu hệ sinh thái toàn diện nhất tại Việt Nam. Sở hữu 28 cơ sở cảng, hạ tầng dịch vụ logistics trải dài từ Bắc đến Nam, đặc biệt là các cảng nước sâu tại Lạch Huyện (Hải phòng) và tại Cái Mép – Thị Vải (BRVT),  TCSG giữ 55% thị phần container xuất nhập khẩu cả nước, tương đương với sản lượng của cụm cảng vị trí số 17 trong TOP 20 cụm cảng container có sản lượng thông qua lớn nhất thế giới. Ngoài ra, TCSG cũng là nhà cung cấp dịch vụ logistics với các kho hàng, cảng cạn, trung tâm logistics đặt gần các khu công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm, cung cấp các giải pháp logistics trọn gói cho khách hàng, luôn đứng trong TOP 05 doanh nghiệp uy tín ngành dịch vụ logistics của Việt Nam.
Tận dụng sức mạnh của hệ thống và hệ sinh thái, Cảng quốc tế Cam Ranh phối hợp cùng các đơn vị thành viên của TCSG như SNP Logistics, Dịch vụ Kỹ thuật, đã thành công triển khai nhiều dự án hàng siêu trường, siêu trọng quan trọng trong khu vực, mang đến những giải pháp logistics toàn diện, hiệu quả cho khách hàng như dự án Iale-Gia Lai, dự án Thuận Nhiên Phong-Bình Thuận (Vneco), dự án Envision-Đắk Lắk,… Ngoài ra, công ty đã và đang cung cấp dịch vụ sửa chữa đầu bến cho các tàu quân sự, dân sự tại Cảng Quốc tế Cam Ranh, đồng thời tiếp tục triển khai dịch vụ này tại cảng Cát Lái và Cái Mép trực thuộc TCT TCSG và từng bước mở rộng ra thị trường bên ngoài. Việc triển khai và mở rộng dịch vụ sữa chữa tại các cảng trực thuộc hệ thống TCT TCSG giúp các hãng tàu có thêm lựa chọn và chủ động kế hoạch bảo quản sửa chữa khi tàu đến Việt Nam cũng như mang lại cho các hãng tàu các dịch vụ sửa chữa nhanh chóng, kịp thời.
Bên cạnh đó, với các đề án phát triển đô thị du lịch-logistics, theo định hướng Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2024, thành phố Cam Ranh sẽ tập trung kêu gọi đầu tư kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp Nam Cam Ranh, các cụm công nghiệp, dự án công nghiệp trên địa bàn thành phố. Nhằm phục vụ đề án này, cảng Quốc tế Cam Ranh ngoài thực hiện các nhiệm vụ Đối ngoại quốc phòng, trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển năng lực khai thác tàu hàng rời, tàu khách quốc tế, phát triển dịch vụ tiếp vận; đẩy mạnh hoạt động hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước đưa Cảng quốc tế Cam Ranh trở thành trung tâm hậu cần của các dự án dầu khí, điện gió ngoài khơi, nhằm mục đích nâng cao năng lực cạnh tranh logistics của các doanh nghiệp sản xuất trong địa bàn tỉnh Khánh Hòa cũng như các doanh nghiệp tại khu vực miền Trung.
Cảng Quốc tế Cam Ranh tận dụng hệ sinh thái logistics của TCT TCSG triển khai các dự án điện gió