Hội thảo “Nguồn nhân lực cho phát triển cảng bền vững” của Hiệp Hội Cảng Biển Asean tổ chức tại Việt Nam

17/07/2023

Hội thảo “Nguồn nhân lực cho phát triển cảng bền vững” của Hiệp Hội Cảng Biển Asean tổ chức tại Việt Nam

Năm 2023, Hội thảo“Nguồn nhân lực cho phát triển cảng bền vững” của Hiệp Hội Cảng Biển Asean được Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA) phối hợp cùng Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCT TCSG) đăng cai tổ chức chức tại Việt Nam. Hội thảo được tổ chức ngày 14/7/2023 tại khách sạn Pullman theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, quy tụ gần 100 đại biểu trực tiếp đến từ Việt Nam và các quốc gia trong khu vực cùng gần 200 đại biểu tham dự trực tuyến là các doanh nghiệp cảng biển, các nhà quản lý đến từ chính quyền Cảng, bộ ngành liên quan và các giảng viên đại học. Hội thảo vinh dự được đón tiếp Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam, lãnh đạo Tỉnh BRVT, đại diện cảng biển APEC, các cảng thành viên của hiệp hội Cảng biển Đông Nam Á và Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, các diễn giả là chuyên gia trong lĩnh vực trong nước và Quốc tế. Các đại biểu đã lắng nghe các chuyên gia trong lĩnh vực cảng biển cùng chia sẻ về kinh nghiệm áp dụng Cảng xanh, Cảng điện tử, các giải pháp tăng hiệu quả khai thác Cảng cũng như các phương pháp quản lý hiệu quả nguồn nhân lực để tối ưu hóa hoạt động của cảng biển, chuẩn bị nguồn nhân lực cho phát triển cảng bền vững chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Phát triển bền vững - xu thế tất yếu của ngành cảng biển
Hơn 80% hàng hóa trên thế giới được vận chuyển bằng đường biển nhưng đã có khoảng hơn tỉ tấn khí thải nhà kính, chiếm gần 3% lượng khí thải toàn cầu do hoạt động của con người, gây ra bởi ngành vận tải biển.

Cảng biển là cửa ngõ cần thiết để hàng hóa và dịch vụ được vận chuyển trên toàn thế giới, đáp ứng nhu cầu thông thương hàng hóa, đảm bảo giao thương giữa các quốc gia nhưng cũng chính là một trong những tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường. Vậy nên, phát triển cảng bền vững đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu, một xu thế tất yếu của không chỉ của các doanh nghiệp khai thác cảng mà còn của của chính phủ các quốc gia, các tổ chức hiệp hội quốc tế. Các nhà khai thác cảng hàng đầu trên thế giới hiện nay luôn phải đảm bảo rằng quá trình phát triển, xây dựng, mở rộng được lập kế hoạch và quản lý cẩn thận, giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường xung quanh.Trong tương lai, các cảng trong khu vực Đông Nam Á sẽ ngày càng bị siết chặt hơn về các quy định cắt giảm khí thải, giảm thiểu mức độ ô nhiễm không chỉ từ các khách hàng, hãng tàu mà còn từ các cảng đích tại nhiều khu vực trên thế giới.
Cảng bền vững được định nghĩa là các chiến lược và hoạt động mà cảng đảm nhận để đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai của những người sử dụng cảng, đồng thời bảo vệ và duy trì nguồn nhân lực và tài nguyên thiên nhiên. Mục đích chính là tìm kiếm một phương pháp quản lý cảng an toàn, được xã hội chấp nhận, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường đồng thời tối đa hóa lợi nhuận

Phát triển nguồn nhân lực hướng đến phát triển bền vững ngành cảng biển Đông Nam Á 
Tại hội thảo lần này, các diễn giả tập trung chia sẻ các chủ đề quan trọng như phương pháp triển khai cơ chế hàng hải một cửa nhằm giảm thiểu thời gian neo đậu tàu tại các bến cảng, phương pháp xây dựng nguồn nhân lực bền vững cho cảng xanh, có khả năng thích nghi và phát triển trong thời đại số hay giải pháp điện bờ nhằm cung cấp năng lượng sạch và bền vững cho các cảng,..Các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực cảng biển tại khu vực Đông Nam Á không chỉ trình bày các nghiên cứu và các giải pháp hiệu quả để tạo ra môi trường làm việc hiệu quả và nâng cao năng lực cạnh tranh của các cảng biển trong khu vực mà còn chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm thực tế đang được áp dụng tại doanh nghiệp của mình. Tại hội thảo lần này, TCT TCSG đã đóng góp các biện pháp hiệu quả, đã và đang triển khai để phát triển nguồn nhân lực cho mô hình cảng xanh và thông minh của mình.



Hội thảo phát triển nguồn nhân tại Việt Nam được đánh giá cao 
Phần thảo luận đã diễn ra sôi nổi với các câu hỏi đặt ra cho diễn giả về kinh nghiệm trong ứng dụng hệ thống “Asean một cửa”,  các rủi ro gặp phải khi các Cảng điện tử hóa ngày càng nhiều song tấn công mạng cũng ngày càng phức tạp, các giải pháp phòng tránh rủi ro khi bị tấn công mạng, giải pháp kỹ thuật đảm bảo cho hệ thống điện tàu khi đến Cảng và chuyển đổi sang dùng hệ thống điện bờ, phương pháp tinh gọn để đảm bảo hiệu suất và hiệu quả khai thác cảng, chiến lược thu hút và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao đảm bảo phát triển Cảng bền vững.



Hiệp Hội Cảng biển Đông Nam Á đánh giá cao tính chuyên nghiệp trong công tác tổ chức Hội thảo của Hiệp Hội Cảng biển Việt Nam. Sáng kiến tổ chức Hội thảo theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đã giúp các nội dung thảo luận và thông tin chia sẻ hữu ích tới được nhiều các doanh nghiệp khai thác cảng, cơ quan hữu quan liên quan đến ngành khai thác Cảng và các giảng viên Đại học giảng dạy chuyên ngành. Các đại biểu cũng đã tham quan các cảng nước sâu tại Cái Mép sau chương trình hội thảo chính và ấn tượng  trước sự tăng trưởng tương đối  ổn định của Cảng nước sâu tại Việt nam trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu. 

Xem thêm tài liệu hội thảo tại đây