Chính thức ký kết hiệp định EVFTA và IPA

01/07/2019

Ngày 30/6, Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam – EU (EVFTA và IPA) chính thức được ký kết tại Hà Nội sau hành trình 9 năm đàm phán. Đây được coi là sự kiện đi vào lịch sử của mối quan hệ giữa Việt Nam và EU và mở ra những lợi ích chưa từng có cho các công ty, người tiêu dùng và người lao động ở châu Âu và Việt Nam.

Để đi đến được ký kết hiệp định lần này, Việt Nam đã phải trải qua tiến trình rất dài, được đồng ý khởi động đàm phán từ năm 2010 và các bên chính thức đàm phán nhiều cấp, nhiều vòng từ năm 2012 cho đến nay. Đến tháng 12/2015, hai bên đã kết thúc đàm phán và bắt đầu khởi động tiến trình rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định. Tuy nhiên, vào tháng 9/2017, EU đề nghị Việt Nam tách Hiệp định EVFTA thành hai hiệp định riêng biệt, đó là: Hiệp định EVFTA và Hiệp định IPA. Đến tháng 6/2018, chính thức thống nhất việc tách riêng EVFTA thành hai hiệp định và kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA, đồng thời thống nhất các nội dung của Hiệp định IPA. Chỉ sau 3 tháng, tức ngày 17/10/2018, Ủy ban châu Âu đã chính thức thông qua EVFTA và IPA.

Với sự nỗ lực của hai bên trong việc đàm phán, rà soát các thủ tục pháp lý, ngày 25/6/2019, Hội đồng châu Âu phê duyệt cho phép ký các Hiệp định này. Và ngày 30/6/2019 chính thức đi vào lịch sử của mối quan hệ giữa Việt Nam và EU, đó là việc ký kết Hiệp định EVFTA và IPA. 

Lễ ký kết hiệp định EVFTA và IPA
Lễ ký kết hiệp định EVFTA và IPA

Phát biểu tại lễ ký,Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong bối cảnh thương mại toàn cầu đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, việc ký hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU mang ý nghĩa đặc biệt, thể hiện tư duy mạnh mẽ và tầm nhìn chiến lược. Đặc biệt hai nền kinh tế mang tính bổ sung, cùng hợp tác, cùng có lợi và phát triển, hướng về tương lai tươi sáng, đóng góp vào sự phát triển bền vững và phát triển của các bên. “Sự liên kết tổng hòa 2 hiệp định quan trọng này sẽ nâng cánh mối quan hệ Việt Nam và EU lên tầm cao mới” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Tuy nhiên việc ký hiệp định này, mới chỉ là bước khởi đầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn, 2 bên cần nỗ lực hợp tác để Việt Nam sẽ ban hành 1 chương trình hành động quốc gia, thực hiện 2 hiệp định với các nhiệm vụ, biện pháp cụ thể, thực thi nghiêm túc, triển khai sâu rộng tới các bộ, tổ chức, doanh nghiệp, gắn với phát huy năng động sáng tạo, hướng tới mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam hùng mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ ký kết
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ ký kết

Tại lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, 15 năm trước, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Á – Âu lần thứ 5 (ASEM 5) tại Hà Nội, lãnh đạo Việt Nam và các nước châu Âu đã thảo luận và đi đến thống nhất một lộ trình để hướng tới tăng cường hợp tác giữa hai bên thông qua các bước hội nhập với nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Bước đầu tiên chính là việc EU hỗ trợ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và sau đó là đi đến một Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa hai bên. Khi đó, châu Âu là một trong những người bạn đầu tiên chia sẻ và tin tưởng ở ý chí, quyết tâm hội nhập của dân tộc Việt Nam. Rất ít người nghĩ rằng hai bên có thể đạt được các mục tiêu đầy tham vọng đó.

Không lâu sau đó, Việt Nam đã gia nhập WTO và có những bước tiến vững chắc trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tháng 10 năm ngoái, cũng bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Á – Âu tại Bruxel (Bỉ), Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cùng Lãnh đạo EU đã thống nhất những nguyên tắc cuối cùng để hai bên có thể tiến tới nấc thang mới, nấc thang cao nhất trong hợp tác kinh tế – thương mại giữa hai nền kinh tế không thuộc một khu vực địa lý: một Hiệp định thương mại tự do với tiêu chuẩn cao.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, với quyết tâm mạnh mẽ đặc biệt là của các cấp lãnh đạo và hai đoàn đàm phán, ngày hôm nay chúng ta được chứng kiến buổi lễ quan trọng và rất có ý nghĩa đối với quan hệ chiến lược giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu: Lễ ký kết Hiệp định thương mại tự do EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư IPA giữa hai nước.

“Có thể khẳng định rằng việc hoàn tất đàm phán và ký kết 2 Hiệp định này sẽ làm tăng cường hơn nữa quan hệ song phương đang ngày càng phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, làm sâu sắc hơn mối quan hệ về kinh tế và thương mại nhằm tận dụng tối đa lợi thế và tiềm năng của nhau để mang lại lợi ích cho cả hai bên.” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, 15 năm trước, Việt Nam chỉ là nước đang chập chững bước vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế với kim ngạch xuất khẩu cả năm chỉ ở mức 26 tỷ USD. Việt Nam khi đó vẫn là một đối tác thương mại nhỏ cần sự hỗ trợ của EU để hội nhập với nền kinh tế thế giới. Nay, với kim ngạch xuất khẩu gấp gần 10 lần so với 15 năm trước, Việt Nam cùng EU chính thức bắt tay chuẩn bị cho một giai đoạn mới trong hợp tác kinh tế: giai đoạn của quan hệ lâu dài, toàn diện, bình đẳng và cùng có lợi xây dựng trên cơ sở các quy tắc minh bạch và thông thoáng của một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

“Tuy nhiên, bước ký kết mới chỉ là khởi đầu cho một chặng đường mới. Chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là phê chuẩn cả 2 Hiệp định này và chuẩn bị ngay các bước để có thể triển khai hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp hai bên. Chặng đường tới đây đòi hỏi rất nhiều vào nỗ lực của cả Việt Nam và EU. Tôi mong rằng với tinh thần và nỗ lực như đã thể hiện trong quá trình đàm phán, các cơ quan liên quan của Việt Nam và Liên minh châu Âu sẽ hoàn tất quy trình phê chuẩn trong thời gian sớm nhất để các Hiệp định này sớm đi vào hiệu lực.” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Đại diện hai bên thực hiện ký kết
Đại diện hai bên thực hiện ký kết

Liên quan đến Hiệp định IPA, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng và đánh giá cao vị trí, vai trò, tiềm năng của các nhà đầu tư EU về vốn, công nghệ, trình độ quản lý... Do vậy, Chính phủ Việt Nam có cơ sở để tin tưởng vững chắc rằng, việc ký kết Hiệp định IPA sẽ góp phần thu hút đầu tư với chất lượng cao từ các nhà đầu tư EU và tạo cơ hội tốt cho nhà đầu tư Việt Nam tiếp cận thị trường EU. Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thời gian tới.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng lưu ý, một số thách thức trong quá trình thực thi Hiệp định như: về thể chế, chính sách, cơ chế quản lý; hệ thống kết cấu hạ tầng, trình độ công nghệ và nguồn nhân lực; năng lực và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam....

Do vậy, để hiện thực hóa những cơ hội và lợi ích từ việc thực thi các Hiệp định này, “Chính phủ đang chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách đầu tư, kinh doanh, theo đó sẽ nghiên cứu, rà soát, đề xuất trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành một số đạo luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Luật lao động và một số Luật về thuế...” – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Ông Stefan Radu Oprea - Bộ trưởng phụ trách về Kinh doanh, thương mại và doanh nghiệp của Rumani – cũng nhấn mạnh, hai hiệp định này mang lại thuận lợi cho các công ty của cả 2 bên, đặc biệt là công ty vừa và nhỏ, người lao động và người tiêu dùng. Đối với IPA, cơ hội mang đến rất quan trọng, trong đó thúc đẩy EU đầu tư vào Việt Nam, có sự gia tăng các công ty của châu Âu đến Việt Nam, coi VN là trung tâm đầu tư quan trọng.

Đánh giá việc ký kết Hiệp định EVFTA và IPA, bà Cecilia Malmstrom - Cao ủy về thương mại của EU cũng khẳng định, điều này đã thể hiện sự hợp tác lâu dài, lâu bền giữa 2 bên. Đây là viên gạch, nền tảng quan trọng cho sự hợp tác giữa các bên trong hội nhập quốc tế.

“Trong thời gian tới, hiệp định sớm có hiệu lực, càng phê chuẩn và có hiệu lực sớm sẽ càng mang lại lợi ích cho người lao động, người tiêu dùng, doanh nghiệp” – bà Cecilia Malmstrom cho biết thêm.

(Nguồn: Báo Công Thương)