Đừng mong manh trước sự “mong manh” của chuỗi cung ứng

16/08/2021

Chuỗi cung ứng tiếp tục đối diện sự mong manh vốn đã tồn tại. Đại dịch COVID-19 diễn biến khó lường ở phía Nam đặt cộng đồng doanh nghiệp vào tình thế gian nan mới.

Sự mong manh của chuỗi cung ứng…

Tôi đã được mời tham dự Hội thảo trực tuyến “Đảm bảo hàng hóa thông suốt qua cảng” của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCT TCSG) mà cá nhân tôi cảm nhận đúng hơn là một buổi đối thoại với khách hàng, với các cơ quan quản lý và cả đối với các cơ quan báo chí, truyền thông. Bản thân tôi thấy rất hài lòng và ghi nhận nỗ lực của TCSG đã kịp thời đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp để cung cấp một bức tranh trọn vẹn về sự “mong manh” của chuỗi cung ứng tại Việt Nam, từ đó cùng nhau suy nghĩ và hành động hơn là chỉ tiếp nhận hoặc loan truyền những thông tin vừa thiếu chính xác, vừa thiếu tinh thần xây dựng. Vì vậy mà Hội thảo đã đón nhận sự quan tâm tham dự đông đảo các hãng tàu, khách hàng xuất nhập khẩu, doanh nghiệp logistics, … Bởi trước quá nhiều nguồn thông tin thực hư lẫn lộn, họ cần lắng nghe chính TCSG nói để hiểu đúng và đủ tình hình. Đây là nhu cầu chính đáng.

Có 3 điều còn đọng lại trong tôi sau khi dự buổi “Đối thoại” này.

Thứ nhất, tôi cảm nhận sự trách nhiệm của TCSG với cái tôi tạm gọi là “An ninh xuất nhập khẩu” của nước nhà. Nói rộng hơn là trách nhiệm trong việc đảm bảo chuỗi cung ứng đang mong manh sẽ không bị đứt gãy. Với nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của cảng biển đối với “An ninh xuất nhập khẩu”, đồng thời dự báo từ sớm, từ xa được những hệ lụy to lớn mà đại dịch COVID-19 có thể gây ra không chỉ với Cảng, đến các Doanh nghiệp mà đến cả nền kinh tế nếu viễn cảnh “thảm họa” này xảy ra như đã từng xảy ra ở một số quốc gia trên thế giới. TCSG đã cho thấy sự nhanh chóng, quyết liệt trong phòng chống dịch và đảm bảo hoạt động các cảng thông suốt dù gặp muôn vàn khó khăn khi các mắt xích khác trong chuỗi cung ứng đang bị “ốm yếu” đi. Có thể kể đến hoạt động của các nhà máy sản xuất, vận tải nội địa kết nối với cảng, các ICD hậu phương cảng… đang gặp vấn đề về năng lực do dịch. Tôi nhẹ nhõm và chắc nhiều người cũng chia sẻ cảm giác này khi TCSG tuyên bố “Cảng đã quay trở lại nhịp điệu sản xuất bình thường”. Tất nhiên, ai cũng hiểu là khi mọi thứ đang trong trạng thái VUCA thì sự bình thường đó sẽ là kết quả nỗ lực không ngừng cộng với sự cảnh giác cao độ trong thời gian qua và cả trong thời gian tới.

Thứ hai, cộng đồng doanh nghiệp thỏa mãn, ghi nhận sự hỗ trợ và gánh vác của một doanh nghiệp cảng. Mặc dù cũng bị tác động không nhỏ từ đại dịch nhưng Cảng đã quyết tâm không chỉ đảm bảo hoạt động sản xuất của mình mà còn đảm bảo hoạt động của các hãng tàu và hơn 30.000 khách hàng xuất nhập khẩu. Chính sách ưu đãi di chuyển container tồn lâu của các nhà máy tạm ngưng hoạt động ra khỏi cảng Tân Cảng - Cát Lái để giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp và giúp cho các doanh nghiệp đang “sống được” sẽ sống được, những doanh nghiệp đang “ốm yếu” sẽ sớm mạnh khỏe trở lại.

Cuối cùng, chúng ta cũng vui mừng chứng kiến sự vào cuộc và sát cánh của các cơ quan ban ngành như Cục Hàng hải Việt Nam, Tổng Cục Hải quan… cùng doanh nghiệp cảng để đưa ra các giải pháp tháo gỡ ngắn hạn, tạo điều kiện thuận lợi “chưa từng có trong tiền lệ” để duy trì chuỗi cung ứng Việt Nam.

Nhưng dứt khoát không “mong manh” trong niềm tin…

Từ những bài học đắt giá về hậu quả nghiêm trọng đến nền kinh tế do tắc nghẽn cảng ở các nước trên thế giới và gần đây nhất là sự cố tắc nghẽn cảng Yantian (Trung Quốc) với 298 tàu, tổng sản lượng hơn 3 triệu TEU đã bỏ không cập cảng (trong khoảng thời gian từ 01/6 - 15/6) tạo một lượng hàng lớn phải chuyển tàu và nhiều ảnh hưởng tiêu cực khác như làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu vỏ container, đẩy giá cước tiếp tục tăng cao… , hay khi sản xuất tại Trung Quốc bị gián đoạn, các nhà sản xuất phải tìm nguồn cung mới, dòng vốn đầu tư dần chuyển sang Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á. Khi Ấn Độ chịu sự tấn công của biến chủng SARS-Cov-2 mới, luồng hàng hóa đã đổ về các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Để thấy rằng chuỗi cung ứng đã vốn mong manh lại càng dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết. Nếu chuỗi cung ứng gián đoạn thì tác động đó sẽ là sự an nguy của cả quốc gia chứ không phải chuyện của riêng ai.

“Đừng tranh thủ khó khăn của cả hệ thống thành cơ hội cho riêng mình”. Đây là lúc cần sự chung tay, đóng góp của mọi thành phần trong chuỗi vận tải để vượt qua khó khăn chứ không phải lúc tranh thủ khó khăn của cả hệ thống thành cơ hội cho riêng tổ chức nào. Chúng ta cần cảnh giác trước các thông tin thiếu căn cứ, mang tính chủ quan và thiếu xây dựng, đi ngược lại quy luật của thị trường bằng sự cưỡng ép không dựa trên lợi ích của các bên tham gia. Nếu có ai đó tạo hình ảnh với thế giới về một Việt Nam đang “mong manh” trong sản xuất hay đang “hỗn loạn” trong lưu thông hàng hóa… thì ai sẽ là người hưởng lợi? Chắc chắc không phải là các doanh nghiệp Việt Nam. Ai có đủ năng lực để ngăn chặn sự dịch chuyển sản xuất, đầu tư từ Việt Nam sang các nước khác? Không riêng một tổ chức nào cả, đó phải là sự nỗ lực của cả quốc gia.

Cũng cần thừa nhận rằng sự ổn định của chuỗi cung ứng tại thị trường Việt Nam đến thời điểm hiện nay chỉ mang tính tạm thời bởi vì có quá nhiều yếu tố tạo bất ổn như dịch bệnh tái bùng phát ở nhiều quốc gia, tình trạng kẹt cảng trên toàn cầu, thiếu container rỗng, giá cước biến động, thời tiết cực đoan… Đó luôn là các tác nhân chực chờ để bẻ gãy chuỗi cung ứng bất kỳ lúc nào. Chúng ta sẽ củng cố hơn niềm tin nếu có được sự thấu hiểu của các khách hàng, hãng tàu trong việc điều chỉnh kế hoạch vận chuyển, giao nhận cho phù hợp với năng lực sản xuất kinh doanh của mình khi các tỉnh, thành bắt đầu áp dụng các phương án mới đảm bảo cho doanh nghiệp sản xuất trong điều kiện phòng chống dịch. Với sự chia sẻ, gánh vác khó khăn từ các hãng tàu với khách hàng của mình, từ khách hàng với cảng và ngược lại cũng như sự đồng hành của cơ quan quản lý Nhà nước thì viễn cảnh không ai mong muốn kia chắc chắn sẽ khó xảy ra. Tôi tin chắc là vậy.

TCSG nói riêng và các cảng khác ở miền Nam đã bước đầu thành công thực hiện các biện pháp ngắn hạn để duy trì chuỗi cung ứng trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng vừa qua. Và tôi cũng tin tưởng vào các biện pháp dài hạn, căn cơ của TCSG bởi họ có đủ kinh nghiệm và năng lực nhìn xa, trông rộng để thực hiện thành công.

Dứt khoát bằng mọi giá, chúng ta bắt tay nhau tuyên chiến với sự mong manh trong niềm tin…

 Người viết: Hà Trương Vũ Lan

Nguồn: Tạp chí VLR

(P.MKT)