Logistics ngược trong phát triển bền vững

03/09/2019

Áp lực cạnh tranh ngày một gay gắt và vấn đề ô nhiễm môi trường đang là rào cản lớn cho sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, logistics ngược là giải pháp quan trọng giúp hóa giải các vấn đề trên.

Vai trò của logistics ngược trong phát triển bền vững

Logistics ngược hiểu một cách đơn giản là quản lý dòng chảy của hàng hóa từ người tiêu thụ cuối cùng trở về nơi sản xuất. Đó là quá trình các doanh nghiệp thu hồi hàng hóa bị trả lại, tận dụng phế liệu, phế phẩm từ vật liệu đóng gói, vận chuyển, nguyên vật liệu tái chế thu được từ người tiêu thụ cuối cùng. Hoạt động logistics ngược mang đến nhiều lợi ích cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đây cũng là trách nhiệm với xã hội mà doanh nghiệp cần phải làm.

Logistics

Tạo sự thông suốt cho quá trình logistics xuôi

Ở nhiều khâu của quá trình logistics xuôi xuất hiện những sản phẩm không đạt yêu cầu cần phải sửa chữa lại,... Để đảm bảo đưa các sản phẩm này trở lại kênh logistics xuôi một cách nhanh chóng, kịp thời thì cần phải phát sinh một loạt các hoạt động logistics ngược. Để đạt hiệu quả trong quản trị dòng logistics xuôi, các doanh nghiệp cần phải thực hiện hiệu quả các hoạt động logistics ngược.

Góp phần nâng cao trình độ dịch vụ khách hàng Thông qua việc thu hồi các sản phẩm không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng để khắc phục, sửa chữa, bảo hành, bảo dưỡng,... sẽ góp phần thỏa mãn tốt hơn yêu cầu của khách hàng, nâng cao trình độ dịch vụ khách hàng. Với một chính sách thu hồi tốt sẽ góp phần mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Giúp tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm

Các chi phí liên quan đến vận chuyển, dự trữ, phục hồi, sửa chữa,... hàng hóa thu hồi cũng rất đáng kể. Theo các nhà kinh tế, chi phí dành cho các hoạt động logistics ngược trung bình chiếm khoảng 3% - 15% tổng chi phí của doanh nghiệp . Tuy nhiên, nếu tổ chức và thực hiện tốt dòng logistics ngược, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm đáng kể các khoản chi phí khác như: chi phí nguyên vật liệu do được tái sinh, giảm chi phí bao bì nhiều lần, thu hồi được giá trị còn lại của những sản phẩm đã loại bỏ, bán lại sản phẩm để tăng doanh thu,...

Tạo dựng hình ảnh “xanh” cho doanh nghiệp

Một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm môi trường là do hoạt động sản xuất kinh doanh từ các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần giảm sự tác động tiêu cực đến môi trường thông qua việc thu hồi, tận dụng nguyên vật liệu, phế phẩm và bao bì để tái chế... Khách hàng, các cơ quan quản lý và công chúng luôn đánh giá cao những doanh nghiệp có quy trình sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường.

Hiện nay, Việt Nam rất ít các doanh nghiệp thứ ba chuyên hoạt động trong lĩnh vực tái chế, xử lý phế liệu... do đó những chính sách khuyến khích các loại hình doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động logistics là rất cần thiết.

Quy trình cơ bản của dòng logistics ngược

Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ngày càng quan tâm tới giá trị phục hồi từ hàng hóa trả lại về nơi sản xuất. Phục hồi là một hoạt động nằm trong chuỗi logistics ngược. Trước hết là thu thập, sau đó là kết hợp giám định, chọn lọc, phân loại, tiếp đó là phục hồi và cuối cùng là tái phân phối. Thu thập diễn ra từ lúc mang sản phẩm từ chỗ khách hàng về nơi thu hồi. Tại thời điểm giám định, chất lượng của sản phẩm được kiểm tra đánh giá và quyết định được đưa ra tùy thuộc vào loại phục hồi. Nếu chất lượng sản phẩm gần như mới, chúng có thể được đưa trở lại thị trường ngay lập tức qua tái sử dụng, tái phân phối. Nếu chất lượng không bảo đảm, hình thức phục hồi được áp dụng với nhiều công đoạn hơn. Các thành phần của hoạt động logictics ngược bao gồm: (1) Thành phần của chuỗi cung ứng xuôi như: Nhà cung cấp, nhà sản xuất, đại lý bán buôn và bán lẻ - đây là thành phần quan trọng trong hệ thống phân phối hàng hóa tới tay người tiêu dùng; (2) Thành phần chuyên trong chuỗi cung ứng ngược như: Đại lý vận tải, chuyên gia tái chế,... - đây là thành phần tạo nên sự khác biệt giữa chuỗi cung ứng xuôi và ngược, đồng thời là thành phần thực hiện chức năng của hoạt động logistics ngược: Thu hồi và tái chế; (3) Ngoài ra, còn có thêm thành phần có cơ hội tham gia như các tổ chức từ thiện... - đây hoạt động cần thiết và quan trọng vì mục tiêu phát triển bền vững.

Quy trình logistics ngược
Quy trình logistics ngược

Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động logistics ngược

Để nâng cao hiệu quả hoạt động logistics ngược trong doanh nghiệp, nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững đòi hỏi thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cả trước mắt và lâu dài:

Nâng cao nhận thức về vai trò và vị trí của logistics ngược trong các hoạt động kinh tế

Mặc dù, logistics ngược giúp tiết kiệm chi phí và góp phần nâng cao trình độ dịch vụ khách hàng và tạo dựng hình ảnh “xanh” cho doanh nghiệp nhưng hiện nay, sự hiểu biết, quan tâm của các ngành, các địa phương và doanh nghiệp dành cho lĩnh vực này vẫn còn rất hạn chế. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức về logistics ngược là yêu cầu cấp thiết trong việc tao dựng môi trường phát triển bền vững.

Cần thể chế hóa bằng hệ thống pháp luật và các chính sách cụ thể

Logistics xuôi và cả logistics ngược hiện đang còn nhiều khoảng trống về pháp luật, chính sách quản lý. Riêng với logistics ngược, suốt thời gian dài chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả hoạt động rất thấp. Do đó, Nhà nước cần tăng cường hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường và bảo vệ người tiêu dùng: Cần có quy định thu hồi triệt để và xử ký nghiêm minh việc sản xuất, lưu thông hàng hóa độc hại; Cần có chế tài cụ thể đối với các doanh nghiệp trong việc thu hồi và xử lý phế liệu, phế phẩm, bao bì đóng gói, đặc biệt bao bì khó phân hủy ngoài môi trường...; Có chính sách đánh thuế cao hơn đối với các nguyên liệu không thể tái chế; Cần khuyến khích các doanh nghiệp tự giác sử dụng các vật liệu có khả năng tái chế và tiết kiệm...

Cần các chính sách tài chính và phi tài chính để ràng buộc các doanh nghiệp thực hiện hoạt động logistics ngược
Khi mà hầu hết các doanh nghiệp nâng cao được nhận thức, xem hoạt động logistics ngược như một hoạt động kinh tế - xã hội quan trọng và thực hiện hiệu quả , lúc đó doanh nghiệp nào không thực hiện sẽ bị loại bỏ khỏi thị trường. Hoạt động logistics ngược là công cụ cạnh tranh hữu hiệu giữa các doanh nghiệp, do đó chỉ cần có chính sách, pháp luật khuyến khích từ phía Nhà nước và địa phương sẽ tạo làn sóng lan tỏa trong nhận thức về hoạt động logistics của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

(TCSG)