Logistics - Nhìn lại sự chuyển động

22/02/2018

Năm 2017, nền kinh tế được đánh giá tiếp tục phục hồi, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế đạt mức cao… Trong bức tranh đó, logistics Việt Nam như thế nào?

ĐÔNG NHƯNG CHƯA MẠNH


Cả nước hiện có khoảng 1.300 doanh nghiệp (DN), bao gồm cả DN có vốn nước ngoài tham gia cung cấp các loại hình dịch vụ hàng hải và logistics, 70% trong đó có trụ sở ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều công ty logistics lớn trên thế giới đã tham gia thị trường logistics Việt Nam. Phần lớn DN logistics của Việt Nam kinh doanh ở cấp độ 1 (logistics tự cấp) và 2 (Cung cấp dịch vụ logistics bên thứ hai).

Hiện có 08 trung tâm logistics và 19 ICD đã đi vào hoạt động. Khu vực phía Bắc có 2 trung tâm logistics (Cái Lân - Quảng Ninh và Đình Vũ - Hải Phòng mới thành lập năm 2012), 2 ICD tại Hà Nội, 6 ICD tại các tỉnh Phú Thọ, Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Lào Cai có quy mô diện tích bình quân dưới 10ha, phần lớn không có khả năng mở rộng. Khu vực miền Trung có 2 trung tâm logistics quy mô nhỏ tại Đà Nẵng (5,2ha) và Quy Nhơn (5,0ha). Khu vực phía Nam có 4 trung tâm logistics và 11 ICD tập trung chủ yếu ở TP. Hồ Chí Minh (1 trung tâm và 6 ICD), Bình Dương (2 ICD), Đồng Nai (3 ICD).

Logistics_2017_1

Phần lớn các trung tâm logistics và ICD đều ở vị trí thuận lợi nên thời gian qua đã hỗ trợ khá hiệu quả cho việc rút hàng xuất, nhập khẩu qua các cảng biển đầu mối. Dịch vụ logistics ở Việt Nam hiện có quy mô 20 - 22 tỷ USD/năm, chiếm 20,9% GDP của cả nước. Nếu chỉ tính riêng khâu quan trọng nhất trong logistics là vận tải, chiếm từ 40% - 60% chi phí thì cũng đã là một thị trường dịch vụ khổng lồ.

Hiện nay, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang đứng thứ 64/160 và đứng thứ 4 trong ASEAN (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan). Với tốc độ phát triển hàng năm đạt 16% - 20%, đây là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng đều nhất của Việt Nam trong thời gian qua.

TS. Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải và dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải Việt Nam) cho biết, cộng đồng DN logistics Việt Nam chiếm hơn 80% tổng số DN kinh doanh dịch vụ logistics tại Việt Nam, song hầu hết chỉ làm dịch vụ các chuỗi cung ứng nhỏ trong lãnh thổ Việt Nam với một số phân khúc như: Dịch vụ giao nhận, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, gom hàng lẻ và thị phần tại các cảng... Trong khi đó, các hoạt động lớn hơn, mang tính liên vận quốc tế đều do thiểu số các công ty, tập đoàn đa quốc gia đảm trách.

Logistics_2017_2

Ngược lại, các công ty logistics nước ngoài lại đang chiếm giữ tới 80% thị phần, trong khi họ chỉ có khoảng 25 DN hoạt động, hơn 1.300 DN logistics nội địa của Việt Nam còn lại nắm giữ 20% thị phần còn lại.

Cũng cần nhìn nhận một cách lạc quan, ông nói, thực ra thì không phải doanh thu của các DN logistics nước ngoài chiếm trên 80% như chúng ta lâu nay vẫn nghĩ. Nếu tính những phần dịch vụ mà thực hiện trên đất nước Việt Nam như: khai thác cảng, vận tải nội địa, kho bãi,... thì hiện nay chúng ta đang chiếm doanh thu lớn. Về vận tải biển quốc tế, vận tải hàng không quốc tế và các dịch vụ bên ngoài Việt Nam thế giới đã có những tập đoàn toàn cầu thành lập đã hơn 100 năm nay, nên họ có xuất phát điểm tốt hơn  chúng ta.

Chúng ta “chậm” hơn họ nên “cuộc chơi” phải nhìn nhận ở góc độ  tích cực.
 

PHẢI LÀM GÌ CHO NGÀNH LOGISTICS VIỆT NAM?


Năm 2017 được đánh dấu “sự kiện” đối với ngành logistics Việt Nam. Trước hết, ngày 14.02.2017, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 200/QĐ-TTg “Phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025”. Đây là lần đầu tiên có một văn bản quy phạm pháp luật riêng về logistics. Theo đó, Chính phủ xác định: “Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin...”

Logistics_2017_3

Cũng đầu năm 2017, tại Hội nghị “Thu hút đầu tư, kinh doanh logistics vào vùng Đồng bằng Sông Cửu Long” Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, đến nay hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics trong vùng vẫn còn kém phát triển. Quy mô của các trung tâm logistics còn nhỏ và chủ yếu phục vụ một số DN trong khu vực khu công nghiệp hoặc một tỉnh, thành phố, chưa phát triển được đến quy mô phục vụ một ngành hoặc một vùng kinh tế có tiềm năng phát triển. Dịch vụ được cung cấp của các trung tâm logistics còn hạn chế; tính liên kết, kết nối trong hoạt động logistics còn yếu, nhiều thủ tục liên quan đến hoạt động logistics còn chưa hợp lý. Cơ sở hạ tầng phục vụ logistics còn nhỏ lẻ; năng lực quản trị, phương thức kinh doanh của DN logistics chưa bắt kịp với sự phát triển chung và đáp ứng yêu cầu đề ra.

Ông cho rằng, cần xem xét toàn diện các vấn đề liên quan tới hệ thống logistics gồm nhiều yếu tố về nhân lực, tài lực, vật lực. Nhà nước phải huy động nguồn lực để phát triển lĩnh vực này cũng như có hành lang pháp lý minh bạch, thống nhất. “Đầu tư, kinh doanh dịch vụ logistics là yếu tố cần và đủ để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của vùng ĐBSCL”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Tại Hội nghị triển khai: “Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025”, diễn ra đầu tháng 3.2017, Thứ Trưởng Bộ Công Thương, Trần Quốc Khánh cho rằng: “Cần có một khuôn khổ để giúp cho UBND các tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ, phát triển dịch vụ logistics. Các DN cũng cần thay đổi trong dịch vụ logistics, vì nếu hoàn thành hết các nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch hành động, nhưng DN vẫn giữ thói quen là “Thôi! Các bác cứ để gia đình em làm hết không thuê ngoài” thì dịch vụ của chúng ta cũng không phát triển được”.

Như vậy, về phía Chính phủ đã tỏ rõ quyết tâm đồng hành cùng DN logistics. Vấn đề hiện nay là các DN phải mạnh dạn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cả phần cứng cũng như phần mềm. Bên cạnh đó cũng cần có 1 Ủy ban Quốc gia điều phối các hoạt động logistics. Cụ thể, Ủy ban tạo thuận lợi hóa thương mại Quốc gia (Ủy ban 1 cửa Quốc gia) nên có thêm chức năng quản lý và điều phối về mặt logistics.

Logistics_2017_4

Việt Nam sẽ phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh, tạo cơ hội bình đẳng cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước phù hợp với pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển, trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng logistics; Tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài để mở rộng kết nối hạ tầng logistics. Đầu tư mở rộng hạ tầng logistics nhằm kết nối các cảng của Việt Nam với các nước láng giềng.

Logistics_2017_5

Trích nguồn: Vietnam Logistics Review