Mua bán & Sáp nhập ngành Logistics: Xu hướng của thời đại Công nghiệp 4.0

08/02/2018

Sự hợp tác qua các hình thức mua bán & sáp nhập (M&A) của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài là xu hướng tất yếu và sẽ diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn..

Xu hướng mua bán – sáp nhập đã xuất hiện và phát triển mạnh mẽ từ năm 2015 trong ngành logistics toàn cầu. Tuy nhiên, ở VN thời điểm này, các doanh nghiệp (DN) nước ngoài vẫn còn bị giới hạn về tỷ lệ vốn sở hữu trong công ty cổ phần nên các DN đa số lựa chọn thâm nhập thị trường VN theo hình thức liên doanh hoặc hợp tác chiến lược.

Logistics_4.0_1
 

Trong quá khứ đã chứng kiến sự hợp tác của các công ty logistics hàng đầu thế giới với các DN vận chuyển nhỏ lẻ trong nước như FedEx hay DHL. Nhưng ngày nay, với những tiến bộ KHKT và sự ra đời của công nghệ tiên tiến, đồng thời, với bối cảnh VN ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, sự hợp tác của các DN trong nước và nước ngoài sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn nhiều.

Những xu hướng và động cơ hoạt động M&A ngành logistics

Áp lực cạnh tranh

Trong bối cảnh hội nhập của VN với nền kinh tế thế giới, cùng với sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học công nghệ kỹ thuật dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, các DN VN đang đứng trước áp lực cạnh tranh nặng nề. Ước tính, VN có 1.300 DN logistics, trong đó, DN nước ngoài chiếm 3% về số lượng, nhưng lại chiếm 70% - 80% thị phần của ngành, trong đó có thể kể tên các DN: DHL, Maersk Logistics… Các DN logistics VN với tiềm lực tài chính yếu, kinh nghiệm và khả năng quản lý chưa đạt yêu cầu, chất lượng dịch vụ chưa tốt và cơ sở vật chất hệ thống thông tin lạc hậu không thể là đối thủ của các ông lớn với kinh nghiệm trên thị trường logistics quốc tế lâu đời, mạnh về tài chính, kinh nghiệm quản lý cũng như hệ thống công nghệ thông tin hiện đại. Do đó, các DN logistics VN phải đứng trước quyết định, hoặc là hợp tác bắt tay với các DN lớn, hoặc là chấp nhận nguy cơ bị “cá lớn nuốt cá bé” ngay trên chính thị trường của mình. Vì vậy, với xu thế lĩnh vực logistics toàn cầu dịch chuyển trọng tâm về thị trường đang phát triển tại châu Á, cùng với sự chuyển dịch của các tập đoàn sản xuất và sự phát triển sôi động của các thị trường bán lẻ tại châu Á, chính sự yếu thế của các DN VN là cơ hội lớn cho DN nước ngoài biến VN thành mảnh đất màu mỡ cho hoạt động M&A.


Logistics_4.0_2

Ngoài ra, sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp 4.0 đã mở rộng khái niệm về cạnh tranh. Trong nền công nghiệp 4.0, những đột phá về công nghệ xuất hiện ngày càng nhiều trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), robot, in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học,… đã làm thay đổi cách thức sản xuất và kinh doanh, dẫn đến sự thay đổi trong hoạt động logistics truyền thống. Trong cách mạng công nghiệp 4.0, một phương thức sản xuất mới được phát triển, dựa trên phát minh in 3D. Khách hàng có thể nhận được sản phẩm tại nhà nhờ công nghệ này mà không cần đến hoạt động vận chuyển vật lý, từ đó làm giảm nhu cầu vận chuyển tổng thể. Để bù đắp tổn thất này, các nhà cung cấp dịch vụ logistics cũng sẽ thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới, như phát triển các trung tâm in 3D, tạo ra khả năng in 3D tại các trang web của khách hàng, hoặc cung cấp các nền tảng với các bản thiết kế 3D. Từ đó, các nhà cung cấp dịch vụ logistics cũng sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh với một số khách hàng của họ, đa số là khách hàng DN sản xuất. Ngược lại, các nhà sản xuất cũng có thể tham gia vào thị trường logistics trong thời đại công nghiệp 4.0. Khi mà tiến bộ KHKT phát triển nhanh chóng, hoạt động logistics cần phải có các giải pháp kho bãi sử dụng robot cao cấp, máy bay không người lái và kho chứa tự phục vụ, các nhà cung cấp dịch vụ logistics không còn khả năng đầu tư cho những cơ sở vật chất này, hoặc nhân viên của họ không có đủ kỹ năng để vận hành các tài sản này, các nhà sản xuất công nghệ có thể cung cấp dịch vụ logistics dựa trên thế mạnh về những tiến bộ khoa học công nghệ mà họ sẵn có.

Sự phát triển của thương mại điện tử

Theo nhiều nhà kinh tế học, sự ra đời của Amazon 10 năm trước đã làm thay đổi bộ mặt của ngành logistics một cách đáng kể. Với sự số hóa nền kinh tế (digitalize) ngày càng phát triển mạnh mẽ và nhu cầu thương mại điện tử ngày càng tăng cao, yêu cầu của khách hàng ngày khắt khe hơn, ngay cả đối với khách hàng DN hay khách hàng cá nhân. Tất cả khách hàng đều yêu cầu việc giao hàng phải diễn ra nhanh chóng hơn, linh hoạt hơn, minh bạch hơn và với giá thấp hơn. Vì vậy, không ngạc nhiên rằng áp lực đang ngày càng đè nặng lên các chỉ tiêu về lợi nhuận cũng như mô hình hoạt động kinh doanh của các DN logistics, khiến cho các DN trong ngành này không ngừng phải cải tiến và thay đổi. Nếu như vào năm 2007, người tiêu dùng sẵn sàng chờ một món hàng được chuyển theo đường bưu điện trong 48 giờ, thì nay, thời gian này rút ngắn lại chỉ còn 24 giờ. Nhu cầu về thương mại điện tử ngày càng tăng cao đã định cho ngành logistics trong thời đại công nghiệp 4.0 này phải đáp ứng đủ 4 yêu cầu: (1) liên tục tối ưu hóa cung đường, (2) đa dạng hóa cách thức giao nhận, (3) phát triển công nghệ hỗ trợ và định vị tài xế và (4) ứng dụng công nghệ để xác nhận hoàn thành công tác giao nhận. Không khó để có thể thấy, khách hàng của các trang thương mại trực tuyến thường xuyên kiểm tra cung đường và vị trí món hàng của mình đang được vận chuyển.

Logistics_4.0_3
 

Để có thể giao hàng nhanh chóng và tiết kiệm là một bài toán khó đối với hầu hết các DN logistics. Điều này đòi hỏi phải có sự đầu tư vào khoa học công nghệ, cải tiến phương thức quản lý, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực. Những hoạt động này, đối với các DN logistics VN với tiềm năng hạn chế là một việc khó khăn, do đó đòi hỏi cần phải có sự hợp tác với các DN đa quốc gia lớn và giàu kinh nghiệm.

Yêu cầu sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu vào

Xét về hoạt động M&A các DN logistics, đứng trên cương vị của các DN lớn, thông qua hoạt động mua bán - sáp nhập các DN vừa và nhỏ trong nước, các DN nước ngoài sẽ nhanh chóng tận dụng mạng lưới sẵn có, cùng nguồn khách hàng và kinh nghiệm vận hành nội địa. Điều này giúp họ giảm được nhiều chi phí gia nhập thị trường so với việc bắt đầu xây dựng từ đầu. Cụ thể, các công ty nước ngoài có lợi thế về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao và đặc biệt là nguồn dịch vụ từ các công ty mẹ xuyên quốc gia về hàng hóa, dịch vụ tàu biển quốc tế nên có lợi thế và thâu tóm được dịch vụ logistics quốc tế. Trong khi đó, các DN nước ngoài này có thể thuê lại dịch vụ của các DN nội địa như giao nhận vận tải, kho bãi, xếp dỡ, cảng biển, khai báo hải quan,… Các DN VN đã có sẵn các kiến thức, hiểu biết và kinh nghiệm cũng như các mối quan hệ khi hoạt động kinh doanh ở thị trường nội địa. Đôi khi những DN này cũng đã có những cơ sở hạ tầng cần thiết như cảng biển, kho bãi, ICD, phương tiện vận tải, xếp dỡ… Đối với các DN VN, M&A cung cấp nguồn vốn lớn, tạo cơ hội chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý.

Logistics_4.0_4

Tình hình M&A ngành logistics

Ngày càng có nhiều tập đoàn lớn trên thế giới gia nhập vào thị trường logistics VN thông qua hình thức mua bán – sáp nhập, nổi bật có thể kể đến DHL Supply Chain, Maersk Logistics, APL Logistics, Nippon Express, Expeditors, Panalpina, Agility, DHL, Global Forwarding, DGF…

Một ví dụ nổi bật khác là thương vụ M&A giữa Samsung SDS và Công ty Cổ phần Logistics hàng không (ALS – Aviation Logistics Service). Với thực trạng VN nổi lên như một trung tâm sản xuất mới với chi phí nhân công rẻ và thu hút nhiều đầu tư nước ngoài và có tiềm năng tăng trưởng tốt, Samsung SDS dự báo mức tăng trưởng về hoạt động logistics của thị trường VN khoảng 15% - 20% mỗi năm, hứa hẹn mang về cho công ty lợi nhuận cao, Samsung SDS đã quyết định lấn sân vào thị trường vận chuyển hàng hóa của VN bằng cách liên doanh với ALS để có thể cung cấp dịch vụ logistics tích hợp, gồm vận chuyển hàng trong nước và quốc tế, dịch vụ kho bãi và khai thuế hải quan… Bên cạnh đó, ALS sẽ cung cấp mạng lưới khách hàng nội địa và tìm kiếm thêm khách hàng.

Ngoài ra, hoạt động M&A trong thời gian qua cũng đã tạo động lực để các DN logistics trong nước phát triển. Đơn cử như các hãng tàu Nhật Bản rất quan tâm đến việc phát triển các cảng container nước sâu tại VN, cả ở khía cạnh đầu tư lẫn khai thác. Hãng tàu MOL có vốn đầu tư tại cả hai cảng nước sâu lớn nhất VN hiện nay là Cái Mép – Thị Vải và Lạch Huyện (cảng container quốc tế Hải Phòng). Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cũng đã từng kết giao với các hãng NYK và Mitsubishi để thực hiện dự án khai thác cảng container đầu tư bằng vốn ODA tại Cái Mép – Thị Vải. Sự quan tâm đến Cái Mép – Thị Vải của MOL và NYK chứng tỏ rằng, các hãng này ghi nhận vai trò của cụm cảng và mong muốn khai thác ở mức cam kết cao nhất.

Như vậy, các DN logistics thế giới nói chung và VN nói riêng hàng ngày phải đối mặt với những thay đổi to lớn trong môi trường kinh doanh, đặc biệt là trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, đặt lên vai họ những áp lực về cải tiến và đổi mới liên tục. Để tránh những cuộc đối đầu trực diện về giá cả và để tồn tại, hoạt động một cách hiệu quả, việc mua bán – sáp nhập (M&A) là một xu thế không thể tránh khỏi đối với các DN logistics VN.  

 Nguồn: Viet Nam Logistics Review