SNP PODCAST - SNP Spotlight Tháng 5/ 2022

18/05/2022

SNP PODCAST - SNP Spotlight Tháng 5/ 2022

Chào mừng quý khán giả đến với SNP Spotlight. Đây là chuyên mục để Tân Cảng Sài Gòn cập nhật những tin tức nổi bật lĩnh vực khai thác cảng, logistics, cũng như tin tức xuất nhập khẩu trong và ngoài nước đến quý vị một cách nhanh chóng và chính xác nhất.

Lệnh giãn cách tại thành phố Thượng Hải- Trung Quốc gây áp lực không ngừng lên chuỗi cung ứng toàn cầu


Kể từ khi ban hành thông báo giãn cách vào ngày 28/3 vừa qua, các biện pháp phong tỏa tại Thượng Hải đã hạn chế tất cả các loại phương tiện giao thông, bao gồm giao thông công cộng, ảnh hưởng không ít đến dịch vụ giao nhận hàng hóa tại các sân bay và cảng biển. Bên cạnh đó là tình trạng gián đoạn và chậm trễ các tuyến dịch vụ, do các hãng hàng không hủy chuyến bay đến và đi từ sân bay Pudong, gia tăng áp lực về năng lực xếp dỡ và vận chuyển tại địa phương.

Đối với dịch vụ vận tải biển, tình trạng tắc nghẽn tại cảng biển từ khi dịch COVID19 diễn ra đã vô cùng nghiêm trọng, nhưng dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian sắp tới. Các bến cảng ở Châu Âu và Bắc Mỹ sẽ phải gồng mình gánh chịu hậu quả lớn hơn nữa khi thành phố Thượng Hải khai thác trở lại ở năng suất bình thường. Lệnh phong tỏa của Thượng Hải diễn ra đã làm trầm trọng hóa những hệ quả mà chuỗi cung ứng toàn cầu đang phải gánh chịu từ đợt phong tỏa kéo dài 7 ngày từ Thẩm Quyến (Shenzen) đến khu vực phía Nam Trung Quốc hồi đầu tháng 3.

Giao thông công cộng sẽ phải tạm ngừng, cũng như hoạt động tại hầu hết các nhà máy trong khu vực phong tỏa. Tuy nhiên, lực lượng lao động thiết yếu, bao gồm công nhân cảng, sẽ được miễn trừ khỏi lệnh cấm ra khỏi nhà.
Bình luận về ảnh hưởng của lệnh phong tỏa đối với lĩnh vực vận chuyển container, chuyên gia Lars Jensen, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Vespucci Maritime, cho biết trên LinkedIn: “Nếu lệnh phong tỏa bị kéo dài, nhu cầu vận chuyển và giá cước giao ngay sẽ giảm trong ngắn hạn, nhưng sau đó thì tình hình sẽ đảo ngược, nhu cầu vận chuyển tăng, và giá cước cũng tăng”.
Ông Peter Sand, Giám đốc Phân tích tại Xeneta, nhận xét rằng lệnh phong tỏa này sẽ làm gián đoạn hoạt động vận chuyển hàng container, do các tài xế xe tải phải liên tục làm xét nghiệm chứng thực âm tính với COVID để tiếp tục làm việc. Tuy nhiên giá cước giao ngay có thể vẫn sẽ giảm nhẹ trong một vài tuần tới.

Vậy đâu là một số biện pháp các hãng tàu và Cảng đưa ra để cải thiện tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng gây ra bởi lệnh giãn cách tại thành phố Thượng Hải?


Nhằm giảm bớt áp lực của lệnh phong tỏa lên với vận tải bộ, Tập đoàn Cảng Quốc tế Thượng Hải (SIPG) đã thông báo về việc triển khai dịch vụ container “bộ-sang-thủy”, bao gồm các cảng ở khu vực Dương Sơn và Khu vực Waigaoqiao của cảng Thượng Hải đến các cảng liên quan ở khu vực đồng bằng sông Dương Tử. Dịch vụ này điều hướng luồng hàng vận chuyển bằng đường bộ sang đường thủy, bằng cách vận chuyển các container đến Trung tâm Dịch vụ Taicang, sau đó xếp lên tàu đến Cảng Thượng Hải.
Về phía các hãng tàu, Maersk đã phải điều chỉnh lịch trình vận chuyển để giảm bớt tình trạng tắc nghẽn tại cảng. Hãng tàu ONE thông báo các chuyến tàu sẽ tiếp tục bị chậm trễ khi Thượng Hải kéo dài lệnh giãn cách. ONE cũng thông báo đến khách hàng về tình trạng các phương tiện vận tải bộ bị hạn chế nghiêm ngặt nên sẽ ảnh hưởng không ít đến việc thông quan hàng hóa nhập khẩu tại Trung Quốc.
Bên cạnh tình trạng vận chuyển khó khăn tại Trung Quốc, tình hình tại các bãi container cũng căng thẳng không kém, đặc biệt là tại cảng Dương Sơn (Yangshan) và Wai Gao Qiao PH2. Hàng nguy hiểm và hàng lạnh có thể không được phép xếp dỡ nếu không đáp ứng đủ số lượng được yêu cầu. Các nhà khai thác cảng cũng thông báo rằng họ sẽ sắp xếp biện pháp và phương thức xếp dỡ hàng hóa thay thế nếu tình trạng tắc nghẽn trở nên trầm trọng hơn và liên tục theo dõi tình hình để đưa ra những biện pháp nhanh chóng, kịp thời nhất.

Tiếp theo là phần Tin trong nước nổi bật:

Theo Thông báo từ Bộ công thương: Kim ngạch xuất nhập khẩu quý I/2022 của Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng khá
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch Covid-19 như chi phí vận chuyển tăng cao cùng với căng thẳng, xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine… nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong quý I/2022 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, ước tính đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,37% so với cùng kỳ năm trước.

Tin vui dành cho ngành xuất nhập khẩu trong quý đầu tiên của năm 2022 - Kim ngạch xuất khẩu tăng cả về lượng và giá
- Tính chung quý I/2022, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 88,6 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ, trong đó khu vực doanh nghiệp trong nước tăng cao (tăng 22%) hơn so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 10%), điều này cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn phức tạp.
- Xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản quý I/2022, ước đạt 7,27 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 8,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điểm nổi bật trong xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản là xuất khẩu thủy sản trong tháng 3 ước tính đạt 900 triệu USD, tăng 41% so với tháng 02/2022 và tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước.
- Trong quý I/2022, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của hoạt động xuất khẩu với kim ngạch đạt 76,18 tỷ USD, tăng 11,6% so với quý I/2021 và chiếm 86% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản, tăng cao nhất trong các nhóm hàng, tăng 67,7% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó xăng dầu, than đá và quặng, khoáng sản khác tăng cao cả về lượng và giá trị do giá các mặt hàng này tăng cao.
- Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 25,57 tỷ USD, chiếm 28,87% tổng KNXK và tăng 15% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 13,7 tỷ USD, tăng 9,2%; thị trường EU đạt 11,21 tỷ USD, tăng 16,3%; thị trường ASEAN đạt 8,1 tỷ USD, tăng 19,9%; Hàn Quốc đạt 6,26 tỷ USD, tăng 21%; Nhật Bản đạt 5,4 tỷ USD, tăng 10,6%.

Bên cạnh những số liệu khả quan trong kim ngạch xuất khẩu, hoạt động nhập khẩu của các doanh nghiệp trong nước cũng diễn ra sôi động.
- Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 03/2022 ước tính đạt 32,67 tỷ USD, tăng 28,7% so với tháng trước. Tính chung quý I/2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 87,77 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 29,43 tỷ USD, tăng 13,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 58,3 tỷ USD, tăng 17,1%.
- Cơ cấu hàng hóa nhập khẩu chiếm 88,7% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong quý I/2022 là nhóm hàng cần nhập khẩu (nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) với kim ngạch đạt 77,88 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt cao nhất, 21,72 tỷ USD, tăng 31% so với quý I/2021. Tương tự, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng khác cũng ghi nhận mức tăng cao như: điện thoại các loại và linh kiện tăng 15,2%; chất dẻo nguyên liệu tăng 18,9%; cao su các loại tăng 33%; bông các loại tăng 40%; than đá tăng 97%; dầu thô tăng 70%; xăng dầu các loại tăng 129%; sản phẩm khác từ dầu mỏ tăng 42,8%; hóa chất tăng 31,8%; phân bón tăng 55,8%...
- Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 23,8 tỷ USD, tăng 47,3% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 13 tỷ USD, tăng 9,9%; thị trường ASEAN đạt 9,7 tỷ USD, tăng 30,9%; Nhật Bản đạt 5,1 tỷ USD, tăng 4,8%; thị trường EU đạt 4,1 tỷ USD, tăng 19,7%; Hoa Kỳ đạt 4 tỷ USD, tăng 13%.
Nhìn chung, nhập khẩu tăng do các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu để đẩy mạnh phục hồi sản xuất và do giá nhiều nguyên vật liệu tăng cao cũng là yếu tố khiến kim ngạch nhập khẩu tăng.