Tân Cảng Sài Gòn đồng hành phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ

08/09/2023

Tân Cảng Sài Gòn đồng hành phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ

Ngày 8 tháng 9 năm 2023, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCSG) tham dự "Diễn đàn liên kết phát triển Logistics - Động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ do"Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Sở Công thương Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp tổ chức nhằm xây dựng hệ thống logistics hiệu quả để tạo đà cho sự phát triển bền vững của vùng.



Diễn đàn có sự tham gia của hơn 500 khách mời là đại biểu các Bộ, ban ngành Trung ương, các lãnh đạo địa phương, các Hiệp hội, doanh nghiệp logistics và xuất nhập khẩu, cơ quan truyền thông. Sự kiện này đã khẳng vai trò quan trọng của hệ thống logistics trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng Đông Nam Bộ.

Với vị trí chiến lược và tiềm năng phát triển vô cùng đa dạng, vùng Đông Nam Bộ luôn nhận được sự quan tâm từ chính phủ và các doanh nghiệp. Với diện tích chiếm 9% và dân số chiếm 20% của cả nước, vùng Đông Nam Bộ đã đóng góp hơn 30% vào GDP quốc gia và hơn 32% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Sự tập trung của nguồn lực và doanh nghiệp tại đây đã tạo nên một sức mạnh kinh tế đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, để duy trì và thúc đẩy sự tăng trưởng này, việc phát triển hệ thống logistics là không thể thiếu.



Với vị trí địa lý thuận lợi, Đông Nam Bộ nằm ở ngay trung tâm của các tuyến đường giao thông quan trọng, kết nối biên giới và cảng biển quốc tế. Sự hiện diện của cảng biển cửa ngõ, điển hình là các cảng lớn đang được vận hành và khai thác bởi TCSG, như Cảng Tân Cảng - Cát Lái - khu vực TP. Hồ Chí Minh, Cảng TCIT, TCCT, TCTT – khu vực cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải, cùng hệ sinh thái các cơ sở logistics đã góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại quốc tế cho khu vực này.



Với vai trò là nhà khai thác cảng và dịch vụ logistics hàng đầu Việt Nam, diễn đàn là cơ hội để TCSG được tiếp xúc, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong việc quản lý, khai thác hệ thống cảng, logistics với các cơ quan hữu quan, đối tác vùng và cùng các doanh nghiệp, từ đó tạo ra nhiều cơ hội mới, để phát triển, mở rộng cơ sở hạ tầng cũng như phát triển các nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khai thác cảng và logistics, đóng góp cho sự phát triển toàn diện của vùng như:
 
  • Tăng cường năng lực cảng biển: TCSG đã đầu tư mạnh mẽ vào việc nâng cấp và mở rộng các cảng biển hiện có và xây dựng các cảng biển mới. Điều này không chỉ giúp gia tăng năng lực vận chuyển hàng hóa mà còn tạo ra nhiều cơ hội giao thương mới cho vùng Đông Nam Bộ. Đặc biệt, việc tăng cường tối ưu hoạt động khai thác các cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải sẽ góp phần đáp ứng được xu hướng gia tăng đội tàu có tải trọng lớn trên thế giới, và gia tăng lượng hàng xuất nhập khẩu của khu vực.
  • Phát triển tiềm năng, nâng cao hiệu quả năng lực logistics: Ngoài việc tăng cường năng lực hệ thống cảng biển, TCSG tiên phong trong việc đưa ra các giải pháp logistics linh hoạt và bền vững cùng hệ thống sà lan hướng đến vận tải xanh và các ICD, depot trong khu vực tỉnh thành lân cận. Cùng với việc ứng dụng hệ sinh thái số như quản lý điều hành vận tải (OTM), cảng điện tử (ePort), quản trị quan hệ khách hàng (CRM), quản lý kho hàng điện tử (EWMS), TCSG không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ và tối ưu trải nghiệm khách hàng trong chuỗi dịch vụ Cảng -logistics.
"Diễn đàn liên kết phát triển Logistics - Động lực tăng trưởng kinh tế Vùng Đông Nam Bộ" là sự kiện quy mô và là cơ hội để Tân Cảng Sài Gòn mở rộng kết nối và tăng cường gắn kết với các cơ quan hữu quan, doanh nghiệp vùng, từ đó góp phần đồng hành phát triển hệ thống logistics và nền kinh tế vùng Đông Nam Bộ. Với những cam kết và nỗ lực của tập thể, Tân Cảng Sài Gòn vinh dự góp phần vào bước tiến quan trọng trong hành trình phát triển bền vững của vùng Đông Nam Bộ, thực hiện định hướng của chính phủ trong Nghị quyết số 24-NQ/TW, hướng đến Tầm nhìn 2045, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới; kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ.