Tin tức chuyên ngành

Dự báo tình hình thị trường trong nước và quốc tế năm 2023

23/12/2022

Dự báo tình hình thị trường trong nước và quốc tế năm 2023

Dự báo tình hình thị trường thế giới năm 2023
-    Theo dự báo của Bloomberg Economics, kịch bản cơ sở cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 là 2,4%. Dự báo của IMF ở mức 2,7%, dự báo của OECD ở mức 2,2%. Tuy nhiên, với cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu, nguy cơ suy thóai kinh tế ở Mỹ và chính sách zero-covid của Trung Quốc khiến việc đạt được kỳ vọng này khá khó khăn. Trong trường hợp xấu, dự báo kinh tế thế giới có thể giảm 0,5%, nền kinh tế toàn cầu trong năm 2023 rơi vào suy thoái.
-    Dự báo nhu cầu vận tải biển ở mức thấp trong năm 2023, với Drewry và Clarksons cùng dự báo tăng trưởng nhu cầu ở mức 1,9%. Trong khi nguồn cung về tàu, sức tải và container sẽ dồi dào khi các hãng sản xuất sẽ giao một lượng tàu và container mới trong năm sau. 
-    Các hãng tàu sẽ tìm cách kiểm soát nguồn cung về tàu, chỗ để cố gắng duy trì mức giá cước và doanh thu, lợi nhuận. Việc cắt giảm chuyến và blank sailing đang khiến tốc độ giảm của giá cước chậm lại. Dự báo trong năm 2023, giá cước sẽ giảm xuống mức gần với giá cước trước đại dịch.
-    Tình trạng kẹt cảng vẫn tiếp tục là một nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động vận tải biển. Số liệu của Drewry cho thấy tình trạng kẹt cảng đã cải thiện hơn trong nửa cuối năm 2022, nhưng vẫn đang ở mức cao so với giai đoạn trước dịch, và có thể kéo dài đến giữa năm 2023.


Đánh giá thị trường Việt Nam năm 2023 từ các chuyên gia
-    Kinh tế Việt Nam năm 2023 phụ thuộc vào nhiều yếu tố: diễn biến xung đột Nga - Ukraine, sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam. Kinh tế Việt Nam năm 2023 có thể diễn ra theo hai kịch bản. Kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế có thể chỉ ở mức 6-6,2% nếu các yếu tố rủi ro lấn át xu hướng phục hồi đã thiết lập trong năm 2022. Kịch bản 2, khả quan hơn, tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 6,5-6,7% trong điều kiện quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi hơn.
-    Quốc hội đặt mục tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4-25,8%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%.



Tình hình ngành hàng năm 2023:
-    Đối với các hiệp hội ngành nghề, một số hiệp hội dự báo chưa lạc quan cho năm 2023 như ngành hàng Thủy sản hiện nay, Vasep dự báo kim ngạch xuất khẩu tương đương năm 2022 do đơn hàng năm 2023 của các khách hàng trong ngành thủy sản hiện nay đang giảm, đặc biệt trong 2 quý đầu của năm 2023 và sẽ khôi phục dần từ đầu quý 3/2023. Đối với ngành Gỗ, Hawa dự báo sản lượng năm 2023 chỉ tương đương năm 2022, các đơn hàng của doanh nghiệp gỗ hiện nay đang không có trong quý 1 và 2 năm 2023 nên tình hình 2 quý sẽ giảm so với năm 2022 và dự kiến quý 3 tình hình xuất khẩu có thể cải thiện trở lại. Ngành dệt may hiện nay đang kỳ vọng xuất khẩu đạt 47 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2022 là do các nước Trung Đông đang chuyển dịch một phần đơn hàng từ các nước Banglades, Myanmar sang Việt Nam và thúc đẩy giảm nhập khẩu, tăng nội địa hóa nguyên phụ liệu trong nước nhằm chủ động nguồn nguyên phụ liệu trong sản xuất.  Ngành nông sản như mặt hàng tiêu, điều, các hiệp hội đều đưa ra mức sản lượng xuất khẩu tương đương năm 2022.
-    Khảo sát các khách hàng các ngành hàng có tỷ trọng xuất nhập cao qua hệ thống TCSG có dự báo sản lượng cho năm 2023 như sau: dệt may (-5%), nông sản (+10%), điện tử (-5%), gỗ (-20%), máy móc thiết bị (-5%), nhựa (+7%), giấy (-5%), thủy sản (-10%).  Các doanh nghiệp nhận định năm 2023 vẫn còn đối đầu với nhiều thách thức như tăng trưởng của nền kinh tế thế giới có xu hướng chậm lại, kèm theo đó là nguy cơ suy thoái kinh tế và các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin gia tăng. Tuy nhiên các doanh nghiệp đều hy vọng việc tác động của nền kinh tế đến thị trường không kéo dài và nửa cuối năm 2023 thị trường sẽ có sự hồi phục đáng kể.
-    Khảo sát Top 10 FWD toàn cầu về sản lượng tại thị trường Việt Nam, có 4 FWD dự báo sản lượng tăng trong năm 2023 như KUEHNE NAGEL (5%); DSV (từ 3%-5%); EXPEDITOR (5%); PANDA (+10%), 5 FWD dự báo sản lượng tương đương hoặc giảm như DB SCHENKER (-10%); DHL (-5%); YUSEN; CH ROBINSON (-30%); NOHHI (tương đương). Theo nhận định chung từ dự báo của top 10 FWD toàn cầu, năm 2023 sẽ là một năm đầy khó khăn với các công ty sản xuất và thương mại. Tình hình kinh tế sẽ ảm đạm, giá cước hãng tàu tiếp tục giảm và tình hình tồn rỗng tăng cao. Các hãng tàu sẽ tìm nơi lưu container với chi phí thấp nhất trên thế giới và các doanh nghiệp logistics cố gắng giữ chân khách hàng bằng cách giảm lợi nhuận.