[#SNP_SPOTLIGHT] Kim ngạch xuất nhập khẩu quý I/2022 của Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng khá | Saigon Newport Corp.(SNP)
Tin tức chuyên ngành

[#SNP_SPOTLIGHT] Kim ngạch xuất nhập khẩu quý I/2022 của Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng khá

27/04/2022

[#SNP_SPOTLIGHT] Kim ngạch xuất nhập khẩu quý I/2022 của Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng khá

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch Covid-19 như chi phí vận chuyển tăng cao cùng với căng thẳng, xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine… nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong quý I/2022 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, ước tính đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,37% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu tăng cả về lượng và giá


Tính chung quý I/2022, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 88,6 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ, trong đó khu vực doanh nghiệp trong nước tăng cao (tăng 22%) hơn so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 10%), điều này cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn phức tạp.

Xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản quý I/2022, ước đạt 7,27 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 8,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điểm nổi bật trong xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản là xuất khẩu thủy sản trong tháng 3 ước tính đạt 900 triệu USD, tăng 41% so với tháng 02/2022 và tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý I/2022, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của hoạt động xuất khẩu với kim ngạch đạt 76,18 tỷ USD, tăng 11,6% so với quý I/2021 và chiếm 86% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản, tăng cao nhất trong các nhóm hàng, tăng 67,7% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó xăng dầu, than đá và quặng, khoáng sản khác tăng cao cả về lượng và giá trị do giá các mặt hàng này tăng cao.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 25,57 tỷ USD, chiếm 28,87% tổng KNXK và tăng 15% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 13,7 tỷ USD, tăng 9,2%; thị trường EU đạt 11,21 tỷ USD, tăng 16,3%; thị trường ASEAN đạt 8,1 tỷ USD, tăng 19,9%; Hàn Quốc đạt 6,26 tỷ USD, tăng 21%; Nhật Bản đạt 5,4 tỷ USD, tăng 10,6%.

Tăng cường nhập khẩu để đẩy mạnh phục hồi sản xuất trong nước
 


Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 03/2022 ước tính đạt 32,67 tỷ USD, tăng 28,7% so với tháng trước. Tính chung quý I/2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 87,77 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 29,43 tỷ USD, tăng 13,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 58,3 tỷ USD, tăng 17,1%.
Cơ cấu hàng hóa nhập khẩu chiếm 88,7% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong quý I/2022 là nhóm hàng cần nhập khẩu (nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) với kim ngạch đạt 77,88 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt cao nhất, 21,72 tỷ USD, tăng 31% so với quý I/2021. Tương tự, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng khác cũng ghi nhận mức tăng cao như: điện thoại các loại và linh kiện tăng 15,2%; chất dẻo nguyên liệu tăng 18,9%; cao su các loại tăng 33%; bông các loại tăng 40%; than đá tăng 97%; dầu thô tăng 70%; xăng dầu các loại tăng 129%; sản phẩm khác từ dầu mỏ tăng 42,8%; hóa chất tăng 31,8%; phân bón tăng 55,8%...
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 23,8 tỷ USD, tăng 47,3% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 13 tỷ USD, tăng 9,9%; thị trường ASEAN đạt 9,7 tỷ USD, tăng 30,9%; Nhật Bản đạt 5,1 tỷ USD, tăng 4,8%; thị trường EU đạt 4,1 tỷ USD, tăng 19,7%; Hoa Kỳ đạt 4 tỷ USD, tăng 13%.
Nhìn chung, nhập khẩu tăng do các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu để đẩy mạnh phục hồi sản xuất và do giá nhiều nguyên vật liệu tăng cao cũng là yếu tố khiến kim ngạch nhập khẩu tăng.
(Thông tin từ Bộ Công Thương)