Hoạt động kinh doanh

Những tiềm năng mới của cảng nước sâu Tân Cảng - Cái Mép

09/07/2009

Hanjin đưa tàu mẹ vào Cảng Tân Cảng- Cái Mép và những cơ hội mới cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại các tỉnh phía Nam. Ngay sau khi Hãng tàu APL (Singapore) và MOL (Nhật) thuộc The New World Alliance (bao gồm các Hãng tàu APL,MOL và Huyndai Merchant Marine) triển khai tuyến dịch vụ PSX và PS1 sang bờ Tây nước Mỹ, Hãng tàu Hanjin cùng hiệp hội CHYK (Cosco, Hanjin, Yangming và Kline) cũng ráo riết các công tác chuẩn bị triển khai đưa tàu Mẹ vào Cảng nước sâu Tân Cảng- Cái Mép.

1. Vai trò quan trọng của Cảng nước sâu

Trên phạm vì thế giới, xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập khu vực đang trở thành một xu thế của thời đại. Đối với lĩnh vực vận tải, do chi phí vận tải rẻ, khối lượng vận tải lớn, tuyến kết nối trên phạm vi toàn thế giới,... nên vận tải biển trở thành một cầu nối quan trọng trong hợp tác song phương và đa phương. Hệ thống cơ sở hạ tầng cảng biển là mắt xích then chốt trong vận tải biển. Hệ thống cảng biển ngoài vai trò xếp dỡ hàng hóa, còn thực hiện hoạt động chuyển tải và logistic tạo giá trị gia tăng với một khu vực hay cả một vùng rộng lớn. Là trung tâm của khu vực Đông Nam Á, gần với Trung Quốc và nằm trên luồng hàng hải quan trọng xuyên Thái Bình Dương, do không có cảng nước sâu, hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam phải chuyển tải qua các cảng trung chuyển trong khu vực.Điều này dẫn đến một nghịch lý là container phải đi một vòng qua các cảng Singapore, Hong Kong… rồi sau đó lại đi ngang hải phận Việt Nam để đến các cảng xa. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, cắt giảm chi phí sản xuất là việc đầu tiên mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng hướng tới. Do vậy việc đưa Cảng nước sâu vào hoạt động tại Cái Mép là sự kiện quan trọng không chỉ đối với nhà khai thác Cảng hay hãng tàu, mà còn là tin tức đáng phấn khởi đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của các tỉnh phía Nam.

Tháng 6 năm 2009 đã đánh dấu mốc lịch sử trong ngành khai thác Cảng tại Việt Nam khi 2 cảng nước sâu Tân Cảng- Cái Mép và SP-PSA được đưa vào họat động tại khu vực Thị Vải- Cái Mép. Các Hãng tàu có thể triển khai tuyến dịch vụ trực tiếp từ Việt Nam sang Mỹ và Châu Âu. Các tuyến dịch vụ mới này cùng với cảng nước sâu sẽ là cú hích quan trọng cho xuất khẩu, tăng vị thế của hàng hoá Việt Nam trên thị trường thế giới.

2. Công ty Tân Cảng Sài Gòn và những chiến lược đầu tư đúng phù hợp với xu thế chung.

Trong suốt những năm tháng hoạt động vươn lên trở thành một doanh nghiệp khai thác cảng hàng đầu của Việt Nam, Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã trải qua nhiều bài học qúi giá về chiến lược đầu tư và phát triển. Một trong những bài học đó là phát triển đúng hướng và đầu tư hiệu quả. Cảng Container Cát Lái Tp. HCM và Cảng nước sâu Tân Cảng- Cái Mép là những ví dụ điển hình. Từ năm 1996 khi vấn đề ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường chưa trở thành vấn nạn tại khu vực nội thành Tp. HCM, Công ty Tân Cảng đã nhìn thấy trước vấn đề và bắt đầu triển khai chiến lược phát triển cảng ra khu vực Cát Lái -Tp.HCM. Hiện thị phần container xuất nhập khẩu thông qua tại Cảng Cát Lái chiếm trên 78% thị phần tòan khu vực các Cảng TP Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh suy thóai kinh tế tòan cầu và sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu giảm sút, trong 6 tháng đầu năm 2009, sản lượng container thông qua tại Cát Lái vẫn đạt mức tăng trưởng tốt. Riêng trong tháng 6/2009, lượng container thông qua cảng Cát Lái có mức tăng trên 31,5% so với cùng kỳ năm 2008.

Năm 2004 trong khi các cảng khác thuộc khu vực TP. HCM đang lúng túng về việc chọn địa điểm và tìm kiếm nguồn đầu tư để di dời thì Tân Cảng đã chuyển toàn toàn bộ hoạt động khai thác cảng xuống Cát Lái và bắt đầu khởi động dự án Cái Mép nhằm đón trước xu thế phát triển tăng tải trọng của đội tàu vận tải container, phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển quốc gia và phát triển kinh tế vùng trọng điểm phía Nam.

Tọa lạc tại Xã Tân Phước Huyện Tân Thành Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu Cảng Tân Cảng Cái Mép có qui mô khi hoàn thiện là 900m cầu tàu cho tàu 80.000 DWT; 60 ha bãi; 10 cẩu bờ bốc xếp container chuyên dụng với sức nâng 65 tấn có thể bốc xếp đồng thời 02 container 20’, 40 cẩu RTG chuyên dùng bốc xếp container trong bãi sức nâng 40 tấn, chất cao 5 tầng cùng hệ thống công nghệ, phần mềm quản lý điều hành cảng container hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Tháng 6/2009, Cảng nước sâu Tân Cảng- Cái Mép –Giai đọan 1 với 300m cầu tàu và 20 hecta bãi, độ sâu trước bến 15,8m đi vào họat động và trở thành Cảng nước sâu đầu tiên đón tàu lớn nhất tại Việt Nam. Sau hơn một tháng họat động, Cảng nước sâu Tân Cảng- Cái Mép đã tổ chức khai thác rất hiệu quả được Hãng tàu MOL và khách hàng đánh giá cao về chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp. Cảng nước sâu Tân Cảng- Cái Mép đi vào hoạt động mang lại lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam mà doanh nghiệp xuất khẩu của Campuchia cũng được hưởng lợi. Hiện nay,container từ Phnom Penh được vận chuyển bằng sà lan tự hành đến cảng Cái Mép vào thứ hai hàng tuần để bắt kịp chuyến tàu thứ năm. Thời gian đi từ Phnom Penh đến Cái Mép mất khoảng hai ngày. Lượng hàng Campuchia trung chuyển tại Cái Mép đi Mỹ trung bình khỏang 100 Teu/chuyến (container 20 feet). Lượng hàng này sẽ tăng lên khi các Hãng tàu triển khai thêm tàu vào Cái Mép. Một số hãng tàu đang xúc tiến khai thác cảng nước sâu của Việt Nam như một cảng trung chuyển của khu vực. Các Hãng tàu đã có kế hoạch đưa hàng từ Indonesia, Philippines, Thái Lan,và Ấn Độ đến với Cái Mép. 

3. Hanjin đưa tàu mẹ vào Cảng Tân Cảng- Cái Mép và những cơ hội mới cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại các tỉnh phía Nam.

Ngay sau khi Hãng tàu APL (Singapore) và MOL (Nhật) thuộc The New World Alliance (bao gồm các Hãng tàu APL,MOL và Huyndai Merchant Marine) triển khai tuyến dịch vụ PSX và PS1 sang bờ Tây nước Mỹ, Hãng tàu Hanjin cùng hiệp hội CHYK (Cosco, Hanjin, Yangming và Kline) cũng ráo riết các công tác chuẩn bị triển khai đưa tàu Mẹ vào Cảng nước sâu Tân Cảng- Cái Mép. Ngày 7-7-2009, lễ đón chuyến tàu đầu tiên- tàu HANJIN COLOMBO V.0102E thuộc tuyến dịch vụ vận chuyển trực tiếp giữa Miền Nam Việt Nam và Khu vực Tây Nam Thái Bình Dương của nước Mỹ (tuyến dịch vụ SJX) đã được tổ chức trọng thể tại Cảng Tân Cảng- Cái Mép thuộc Công ty Tân Cảng Sài Gòn. Hãng tàu Hanjin sẽ đưa 6 tàu có trọng tải từ 4,000 đến 4,300 Teu vào khai thác tại tuyến này với vòng xoay tàu là Port Klang (Malaysia) – Singapore – Cai Mep (Vietnam) –Yantian (TQuốc) – Tokyo- Osaka- Long Beach –Oakland. Tuyến dịch vụ này sẽ tới cảng Tân Cảng- Cái Mép vào thứ 3 và khởi hành từ Cái Mép đi Mỹ vào thứ 4 hàng tuần. Tuyến dịch vụ sẽ mang đến cho khách hàng thời gian chuyển tải nhanh chóng chỉ mất 16 ngày tới bờ Tây nước Mỹ. Trong giai đoạn 2, Hanjin sẽ cân nhắc triển khai các tuyến dịch vụ từ Cái Mép và các nước Châu Á khác và tuyến dịch vụ trực tiếp từ Cái Mép đi Châu Âu .Theo các hãng tàu, một container từ Camphuchia đi Mỹ trung chuyển qua Việt Nam sẽ rút ngắn được một tuần và tiết kiệm được từ 200 – 300 USD so với trung chuyển tại Singapore, Hong Kong. Do vậy, một phần không nhỏ lượng container trung chuyển của các nước sẽ dịch chuyển sang cảng Việt Nam. Còn đối với doanh nghiệp Việt Nam, hàng xuất khẩu đi trực tiếp Mỹ sẽ giúp rút ngắn chuỗi cung ứng và giảm thiểu rủi ro.

Cảng Tân Cảng- Cái Mép đang thu hút ngày càng nhiều các Hãng tàu và khách hàng tới cảng nhờ trang thiết bị xếp dỡ và hệ thống quản lý Cảng hiện đại đạt chuẩn Quốc tế, đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, tận tâm. Cảng đã đầu tư mua phần mềm quản lý khai thác cảng TOPX của RBS (Australia) cùng các thiết bị phần cứng đồng bộ kết nối với hệ thống wireless trên bãi đảm bảo quản lý cont và các phương tiện xếp dỡ tại cảng theo thời gian thực. Hệ thống mới cũng cho phép khách hàng, hãng tàu và cảng có thể trao đổi các thông tin trực tiếp qua đường điện tử (EDI) tiến tới kết nối với hệ thống của Hải Quan để thực hiện các thủ tục thông quan điện tử tạo thuận lợi cho khách hàng.

Hiện tại hơn 90% hàng nhâp xuất giữa khu vực TPHCM ra Cái Mép được vận tải bằng đường thủy. Công ty Tân Cảng Sài Gòn có đội xà lan 15 chiếc tổng sức chở 750 Teu và hệ thống kết nối tại Cảng Tân Cảng, Cảng Cát Lái, các ICD tại khu vực TP HCM, ICD Sóng Thần tại Bình Dương và ICD Long Bình tại Biên Hòa Đồng Nai với CSVC hùng hậu tạo thành hệ thống Logistics hòan chỉnh sẵn sàng phục vụ cho việc giao nhận hàng hóa khu vực TP HCM và Đồng Nai, Bình Dương. Tân Cảng- Cái mép đã trở thành điểm đến tin cậy đối với các Hãng tàu và khách hàng.

Công ty Tân Cảng Sài Gòn cũng đang khẩn trương xây dựng tiếp giai đọan 2 gồm 590m cầu tàu và kho bãi trên diện tích 40 ha để cùng các Hãng tàu Hanjin Shipping, Mitsui O.S.K Lines và Wanhai Lines liên kết khai thác vào đầu năm 2011. Tháng 8 năm 2009 tại Cái Mép sẽ có thêm 50m cầu tàu và tháng 11 có thêm 35m nâng tổng chiều dài cầu tàu tại Cái mép lên 385m vào cuối tháng 11/2009.