Phát triển Logistics: Cơ hội cho các Doanh nghiệp Việt Nam
06/03/2018
Phát triển hệ thống logistics quốc gia tạo môi trường vĩ mô cho tăng trưởng bền vững là bài toán cho các cơ quan quản lý nhà nước, các ngành, các địa phương và doanh nghiệp logistics trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Logistics và cơ hội cho phát triển các doanh nghiệp
Trong lịch sử phát triển của nhân loại, logistics đã xuất hiện từ lâu. Tuy nhiên, cho đến nay ở Việt Nam vẫn chưa tìm được một thuật ngữ thống nhất, phù hợp để dịch từ logistics sang tiếng Việt. Có lúc logistics được dịch là hậu cần, có tài liệu lại dịch là tiếp vận hoặc kinh tế cung ứng, đảm bảo, thậm chí là vận tải, giao nhận… và các cách dịch đã đề cập đều chưa phản ánh một cách đầy đủ và đúng đắn về bản chất của logistics. Vì vậy, việc giữ nguyên thuật ngữ logistics không dịch sang tiếng Việt như trong Luật Thương mại (2005) là cần thiết, đồng thời bổ sung thuật ngữ logistics vào vốn từ tiếng Việt.
Ngày nay, hiện diện trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, logistics đã phát triển nhanh chóng và mang lại nhiều thành công cho các công ty/tập đoàn đa quốc gia trên thế giới. Nói đến logistics là nói đến hiệu quả, nói đến tối ưu hóa trong các ngành, các doanh nghiệp và nền kinh tế. Logistics đồng nghĩa với hiệu quả của cả quá trình, chuỗi cung ứng, nó đối lập với lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm mà làm tổn hại đến lợi ích toàn cục, lợi ích quốc gia. Vì vậy, phát triển hệ thống logistics quốc gia là phải phát triển đồng bộ các yếu tố từ thể chế pháp luật logistics, cơ sở hạ tầng logistics, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics và thị trường, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics. Chỉ có một hệ thống logistics quốc gia phát triển thì môi trường kinh doanh vĩ mô mới thực sự được thiết lập, là cơ sở cho việc nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, của ngành và của nền kinh tế quốc gia.
Trong nền kinh tế thị trường, logistics chính là sự kết nối và hợp tác nên ngày càng đóng vai trò quan trọng, là yếu tố không thể thiếu trong sản xuất, phân phối và lưu thông hàng hóa, đặc biệt là trong việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để nâng cao hiệu quả của các hoạt động sản xuất và kinh doanh ở mọi lĩnh vực. Ở tầm vĩ mô, logistics giúp tối ưu hóa quá trình phân phối, vận chuyển, dự trữ các nguồn lực, giúp các quốc gia phát triển bền vững. Ở tầm vi mô, logistics đóng vai trò to lớn trong việc hóa giải bài toán đầu vào và đầu ra của các doanh nghiệp một cách có hiệu quả, thông qua việc tối ưu hóa các hoạt động trong quá trình sản xuất - kinh doanh, từ đó giúp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Theo nhiều nghiên cứu, chi phí logistics chiếm khoảng 10% giá trị của hàng hóa lưu thông trong nước và chiếm tới 40% đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường quốc tế. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành logistics bởi về mặt địa lý, Việt Nam nằm ở vị trí chiến lược của khu vực, có “mặt tiền” hướng ra biển Đông, bờ biển trải dài, nhiều cảng biển, sân bay quốc tế, hệ thống đường bộ, đường sắt xuyên quốc gia, hành lang kinh tế… Bên cạnh đó, với việc gia nhập WTO, AEC, Việt Nam đã trở thành quốc gia mở cửa về thương mại, hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, có nhiều cơ hội để tiếp cận với các thị trường rộng lớn của khu vực và thế giới với các ưu đãi thương mại (như: giảm thuế quan và phi thuế, áp dụng các quy chế MFN, NT, GSP…) cho sản phẩm, dịch vụ. Việt Nam cũng có nhiều cơ hội để tiếp cận với các thành tựu KH&CN mới nhất, phương thức quản lý tiên tiến của thế giới, đồng thời, hoạt động logistics ở Việt Nam cũng đã được sự quan tâm nhiều hơn của các cấp quản lý ở Trung ương, địa phương và các doanh nghiệp…
Giải pháp phát triển logistics
Để tận dụng hiệu quả những cơ hội, phát huy các tiềm năng thúc đẩy hệ thống logistics quốc gia phát triển mạnh mẽ, tạo môi trường cho phát triển, đáp ứng được yêu cầu tái cơ cấu và hội nhập của nền kinh tế, thiết nghĩ, cần sớm thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
» Tiếp tục nâng cao nhận thức về logistics và hệ thống logistics quốc gia trong nền kinh tế. Việc nâng cao nhận thức về logistics của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, quản lý các ngành, các cấp ở trung ương và địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi, nâng mức ủng hộ cho logistics phát triển và giúp các doanh nghiệp giải quyết các bài toán đầu vào, đầu ra trong hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách hiệu quả.
» Sửa đổi, bổ sung chính sách logistics, đồng thời nhanh chóng triển khai xây dựng Chiến lược và quy hoạch phát triển logistics đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, từ đó có sự thống nhất trong quản lý và kế hoạch, tiến trình phát triển dài hạn cho ngành logistics. Trong đó, Chiến lược tổng thể phát triển ngành logistics phải có tầm nhìn dài hạn và phải có sự kết nối – tích hợp được các chiến lược phát triển kinh tế các ngành, các địa phương và nền kinh tế quốc dân cũng như các chương trình hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực và trên thế giới. Cần thành lập Ủy ban Logistics quốc gia – Người nhạc trưởng có thể liên kết và giải quyết tối ưu các vấn đề kinh tế thương mại liên ngành, liên vùng trong nền kinh tế quốc dân.
» Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu tiên cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng logistics, xây dựng các khu công nghiệp logistics ở Việt Nam. Kết nối liên hoàn các cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại, công nghệ thông tin và các lĩnh vực dịch vụ khác có liên quan theo hướng phải đảm bảo tối ưu hóa dòng vận động hàng hóa, tiền tệ, thông tin với mục tiêu giảm chi phí thấp nhất trong phân phối, lưu thông của nền kinh tế quốc dân. Ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống đường gom, các trung tâm logistics kết nối các phương tiện vận tải ở các địa phương.
» Cần có chính sách đặc thù về đất cho xây dựng các trung tâm logistics theo từng cấp độ nhằm kết nối hiệu quả các phương tiện vận tải, thực hiện liên kết kinh tế hiệu quả giữa các ngành, địa phương và vùng lãnh thổ, thông quan đó thúc đẩy lưu thông và xuất nhập khẩu hàng hóa để sớm đưa Quyết định 1012/QĐ – TTg ngày 03/07/2015 vào cuộc sống.
» Đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ phát triển ngành logistics. Xây dựng và phát triển các sàn giao dịch thông tin logistics trên các địa bàn. Công nghệ thông tin ứng dụng hiệu quả sẽ giúp các doanh nghiệp logistics nhanh chóng cập nhật các phương tiện, hàng hóa được vận chuyển giữa các bên liên quan, kịp thời triển khai các dịch vụ liên quan.
Phát triển hệ thống logistics quốc gia là phải phát triển đồng bộ các yếu tố từ thể chế pháp luật logistics, cơ sở hạ tầng logistics, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics và thị trường, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics.
Trích nguồn: VietNam Logistics Review