Tin tức chuyên ngành

Thay đổi chiến lược nguồn cung: giảm chi phí vận chuyển

06/08/2018

Chi phí vận chuyển được xem là một phần quan trọng trong tổng chi phí tại các doanh nghiệp. Khi chi phí vận chuyển quá cao, doanh nghiệp phải thông qua các chiến lược giúp xác định các vấn đề liên quan và tìm giải pháp để giải quyết những vấn đề này. Sau đây là một số cách mà doanh nghiệp có thể sử dụng để thay đổi chiến lược nguồn cung nhằm giảm chi phí vận chuyển.

Sử dụng ít nhà cung cấp hơn  

Bằng cách giảm số lượng hãng vận tải, số lượng công việc được cung cấp cho các đơn vị còn lại sẽ tăng lên, khi đó, các đơn vị vận tải có khả năng cung cấp dịch vụ với mức giá thấp hơn trên tất cả các tuyến đường. Với chiến lược này, hoạt động vận chuyển trên một số tuyến đường có thể không hiệu quả như kỳ vọng, nhưng về tổng thể các mức giá trên hầu hết các tuyến sẽ thấp hơn. Tất nhiên, với bất kỳ chiến lược nào cũng có tính hai mặt, bên cạnh lợi ích mang lại sẽ luôn tồn tại rủi ro. Rủi ro liên quan đến việc chỉ sử dụng một số lượng nhỏ các đơn vị vận tải khi đó công ty sẽ trở nên rất phụ thuộc vào các đơn vị vận tải này. Trong trường hợp một công ty sử dụng năm hãng hàng không tương đối đồng đều, nếu một trong những hãng này không còn hoạt động, công ty sẽ phải nhanh chóng tìm các hãng vận chuyển khác thay thế, nếu không, sự chậm trễ trong giao hàng có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng về tài chính ngay lập tức và thậm chí cả trong tương lai. Khách hàng có thể từ chối nhận món hàng, từ đó sự hài lòng bị sụt giảm và có thể dẫn đến đơn đặt hàng ít hơn trong tương lai. Nhưng nếu công ty sử dụng một trăm đơn vị vận tải và một trong số đó không hiệu quả, thì công ty chỉ phải tìm các hãng vận tải để vận chuyển  cho 1% tổng số các lô hàng và điều này sẽ chỉ gây ra những ảnh hưởng ở mức tối thiểu. Có thể thấy, việc cắt giảm số lượng đơn vị vận tải là cần thiết, nhưng cắt giảm đến đâu, cắt giảm đơn vị nào lại là bài toán đòi hỏi các doanh nghiệp phải cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên tình hình thực tế của mình.

Chọn đối tác có khoảng cách gần

Ngày nay, do tính chuyên môn hóa trong phân công lao động ngày càng cao, có rất ít công ty có thể đảm nhận hết tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng, thay vào đó chuyển sang chuyên môn hóa vào một hay vài khâu và chuyển các hoạt động còn lại cho các công ty khác đảm nhận, việc này được gọi là hoạt động thuê ngoài. Hoạt động thuê ngoài rất đa dạng, nhìn chung, các khâu trong chuỗi sản phẩm đều có thể được thuê ngoài. Việc quyết định vị trí địa lý cho hoạt động thuê ngoài của doanh nghiệp chủ yếu dựa trên các đánh giá về mặt tài chính. Chẳng hạn như nhu cầu về nguồn vốn, những nhân tố thị trường và chi phí, mức độ linh động ứng phó với các thay đổi trong môi trường kinh doanh và những nhân tố rủi ro khác. Việc đánh giá này nhằm giúp doanh nghiệp tìm được một địa chỉ thích hợp về mặt tài chính, tức là có thể giúp doanh nghiệp giảm các chi phí liên quan, trong đó có chi phí vận chuyển.

Thay đỏi nguồn cung
 

Bên cạnh việc cắt giảm số lượng đơn vị vận tải, việc chuyển đổi chiến lược tìm nguồn cung ứng nói chung từ đối tác ở khoảng cách xa sang khoảng cách gần (offshoring sang nearshoring) nhằm giảm quãng đường vận chuyển cũng sẽ ảnh hưởng tích cực đến chi phí vận chuyển. Thay vì mua sắm nguyên vật liệu và thuê ngoài ở bất cứ nơi nào (offshoring) rẻ nhất, nhiều công ty hiện đang tập trung vào việc thực hiện các hoạt động này ở càng gần với thị trường tiêu dùng cuối cùng càng tốt (nearshoring). Với các nguồn cung ứng đang tiến gần đến người tiêu dùng cuối cùng, thành phần vận tải quốc tế của chuỗi cung ứng được rút ngắn và chi phí do vận tải đường dài được giảm xuống (do khoảng cách ngắn hơn và tiêu tốn ít nhiên liệu hơn). Nhìn chung, sự thay đổi này vừa có lợi về mặt chi phí vừa có lợi cho sự đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

 
 
 
 
 
 
 
 

Thay vì cắt giảm số lượng nhà cung cấp, các doanh nghiệp có thể chỉ cần sử dụng một nhà cung cấp duy nhất. Chiến lược này đã được sử dụng khá phổ biến trong hoạt động mua, khi bộ phận thu mua sử dụng một nguồn duy nhất cho một loạt các sản phẩm, trong trường hợp những sản phẩm này có thể được cung cấp từ cùng một nhà cung ứng. Điều tương tự cũng có thể đạt được khi áp dụng cho hoạt động vận chuyển. Một số công ty tin rằng, họ có thể đàm phán để nhận được mức giá tốt nhất khi sử dụng một đơn vị vận tải duy nhất cho tất cả hoạt động vận chuyển của mình. Trong trường hợp này, ngoài lợi ích giảm chi phí, các công ty còn có thể đưa ra các yêu cầu vận chuyển cao hơn một cách cụ thể, do đó chất lượng vận chuyển có thể tăng lên. Tuy nhiên, nếu muốn sử dụng cách thức này, các công ty sẽ phải đánh giá một cách cụ thể khả năng cung cấp dịch vụ vận chuyển và tính ổn định trong hoạt động kinh doanh của đơn vị vận tải, đảm bảo đơn vị vận tải không dừng hoạt động trong thời hạn hợp đồng

Trên đây là một số thay đổi trong chiến lược lựa chọn nhà cung cấp nhằm giảm chi phí vận chuyển. Những thay đổi này đã được áp dụng tại một số doanh nghiệp và mang lại hiệu quả như mong muốn. Ngoài ra, việc áp dụng những thay đổi này cũng giúp cải thiện cả chuỗi cung ứng và hiệu suất tài chính do chi phí thấp hơn và đầu tư hiệu quả hơn. Chính vì vậy, đây là những gợi ý mà các doanh nghiệp có thể cân nhắc khi đưa ra quyết định thực hiện hoạt động vận chuyển mình một cách hiệu quả
 

Trích nguồn: VLR