Hoạt động trách nhiệm xã hội

Tọa đàm khoa học: Phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh

05/10/2023

Tọa đàm khoa học: Phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh

Chiều 04/10, tại TP. Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng phối hợp với Tổng công ty (TCT) Tân Cảng Sài Gòn, Quân chủng Hải quân tổ chức tọa đàm khoa học “Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh và đối ngoại ở Việt Nam trong bối cảnh mới”.

Trung tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS, TS) Nguyễn Văn Bạo, Giám đốc Học viện Chính trị và Đại tá Nguyễn Năng Toàn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đồng chủ trì.
 
Quang cảnh buổi tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tại các cơ sở cảng của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn; một số bài học rút ra từ mô hình doanh nghiệp quân đội tham gia xây dựng, phát triển kinh tế đất nước và hoạt động đối ngoại quân sự quốc phòng trong thời gian qua.
 
Đại tá Nguyễn Năng Toàn phát biểu

Báo cáo với đoàn công tác, Đại tá Nguyễn Năng Toàn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Tổng công ty nhấn mạnh: Đảng ủy, Ban lãnh đạo Tổng công ty luôn quán triệt sâu sắc đường lối quân sự, quốc phòng (QS, QP) của Đảng, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh. Trước hết, đơn vị lấy hiệu quả sản xuất, kinh doanh (SXKD) làm cơ sở để nâng cao tiềm lực QS, QP, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước. Phát triển kinh tế biển sẽ tạo điều kiện vật chất để tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh và ngược lại. Chủ quyền biển, đảo phải vững chắc mới tạo môi trường, không gian, điều kiện thuận lợi, an toàn cho phát triển kinh tế biển bền vững.
 
Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Văn Bạo kết luận buổi tọa đàm

Những năm qua, TCT Tân Cảng Sài Gòn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ QS, QP và SXKD. Với hệ thống cơ sở vật chất phát triển đồng bộ, hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao; tiên phong trong ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng cảng xanh, dịch vụ thông minh, năng động, hiện đại. Tân Cảng Sài Gòn luôn là lực lượng dự trữ đầy tiềm năng sẵn sàng phục vụ nhu cầu quân sự khi có tình huống, góp phần tạo thế và lực cho đất nước trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
 
Đoàn công tác tìm hiểu thực tế tại cảng Tân Cảng Cát Lái

Trên mặt trận kinh tế, TCT Tân Cảng Sài Gòn hoạt động sản xuất kinh doanh trên 3 trụ cột chính: khai thác cảng biển, dịch vụ logistics, vận tải và các ngành kinh tế biển với 28 cơ sở cảng biển, cảng cạn, kho, bãi trên địa bàn 17 tỉnh thành từ Bắc vào Nam hoạt động mang tính lưỡng dụng. Trải qua hơn 34 năm xây dựng, phát triển, TCT Tân Cảng Sài Gòn đã khẳng định là nhà khai thác cảng biển chuyên nghiệp hàng đầu Việt Nam, có uy tín và vị trí trên trường quốc tế, chiếm trên 56% thị phần sản lượng container xuất nhập khẩu thông qua các cảng biển cả nước; xếp thứ 17 trong nhóm 20 Cụm cảng container có sản lượng thông qua lớn nhất thế giới. Tân Cảng Sài Gòn là một điển hình doanh nghiệp quốc phòng, an ninh chủ động hội nhập, kinh doanh hiệu quả.
 
Đoàn công tác chụp hình lưu niệm với cán bộ Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn

Phát biểu tại tọa đàm, Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Văn Bạo đánh giá rất cao công tác tổ chức tọa đàm tại TCT Tân Cảng Sài Gòn, bảo đảm chặt chẽ, khoa học, tạo điều kiện tốt nhất cho đoàn công tác được tìm hiểu thực tế tại cơ sở cảng. Qua đó, làm cơ sở giúp cho đoàn công tác cập nhật thêm kiến thức thực tiễn tại doanh nghiệp quân đội nói chung, TCT Tân Cảng Sài Gòn nói riêng về “Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh và đối ngoại ở Việt Nam trong bối cảnh mới”. Đồng chí Giám đốc Học viện Chính trị khẳng định: Đây thực sự là mô hình doanh nghiệp quân đội tiêu biểu của đất nước tham gia xây dựng, phát triển kinh tế, là điểm sáng kết hợp kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh.

Dịp này, đoàn công tác Học viện Chính trị đã tham quan, tìm hiểu thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh tại cảng Tân Cảng Cát Lái và nhiệm vụ đối ngoại quân sự quốc phòng tại cảng quốc tế Tân Cảng Cam Ranh.