Hoạt động kinh doanh

14.235 TEU - Kỷ lục mới về sản lượng xếp dỡ trên tàu mẹ tại cảng quốc tế Tân Cảng – Cái Mép (TCIT) chính thức thiết lập

11/06/2021

Ngày 10/06/2021, TCIT đã thiết lập mức kỷ lục mới về sản lượng xếp dỡ trên tàu mẹ với tổng sản lượng xếp dỡ container lên tới 14.235 TEU trên tàu MEISHAN BRIDGE.

Vào 18:00 10/06/2021, TCIT đã thiết lập mức kỷ lục mới về sản lượng xếp dỡ trên tàu mẹ với tổng sản lượng xếp dỡ container lên tới 14.235 TEU (1 TEU = 1 container 20 feet) trên tàu MEISHAN BRIDGE, trong đó sản lượng container nhập là 7.014 TEU và sản lượng xuất lên tàu là 7,221 TEU. Đây là cột mốc hết sức ấn tượng không chỉ đối với TCIT nói riêng mà còn đối với ngành cảng biển và nền kinh tế Việt Nam nói chung khi các nền kinh tế và tình hình vận chuyển hàng hóa bằng đường biển toàn cầu từ đầu năm đến nay vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, tình trạng kẹt cảng nghiêm trọng tại Mỹ cũng như sự cố kênh đào Suez vừa qua. 

14235 TEU_Ky_luc_moi_ve_san_luong_xep_do_tau_me_tai_TCIT
Hình 1: 14.235 TEU - Kỷ lục mới về sản lượng xếp dỡ trên tàu mẹ tại TCIT được thiết lập trên tàu MEISHAN BRIDGE

Tàu MEISHAN BRIDGE có chiều dài 366 mét và sức chở 14.235 TEU của hãng tàu Ocean Network Express (ONE) khai thác trên tuyến dịch vụ EC4 của liên minh THE (bao gồm các hãng tàu ONE, Hapag-Lloyd, Yang Ming và HMM), kết nối Việt Nam đi bờ Đông nước Mỹ. Để đảm bảo năng lực khai thác tàu với mức sản lượng xếp dỡ lên tới 14.235 TEU - cao hơn sức chở tàu 14.000 TEU và tương đương gần 30% sức chứa bãi chỉ trong vòng 55,7 giờ với năng suất làm hàng 145,34 container/giờ, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh và công tác phòng chống dịch tại Cảng, TCIT đã nỗ lực hết sức trong việc bố trí trang thiết bị, sắp xếp bãi cũng như phân bổ nhân lực làm việc ngày đêm, đáp ứng quá trình làm hàng được thông suốt mà vẫn đảm bảo thời gian cập rời cho tàu theo lịch trình. 

14235 TEU_Ky_luc_moi_ve_san_luong_xep_do_tau_me_tai_TCIT
Hình 2: Lộ trình tuyến EC4 kết nối Việt Nam đi bờ Đông nước Mỹ

Tại Việt Nam, dưới ảnh hưởng và diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, chính phủ Việt Nam đã kiên định với chủ trương “mục tiêu kép” là vừa chống dịch vừa đảm bảo phát triển sản xuất, tiếp tục ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch và điều trị tích cực. Tính đúng đắn của chủ trương này cũng như nỗ lực của cả nước trong công cuộc thực hiện “mục tiêu kép” đã phần nào được thể hiện qua việc vừa kiểm soát dịch, vừa tiếp tục duy trì mức tăng trưởng kinh tế trong những tháng đầu năm 2021 - dự kiến 6 tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam ước đạt khoảng 5,8%. Tính đến hết 15/5/2021, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 116,8 tỷ USD, tăng 30,9% và tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 117,15 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với hàng hóa Việt Nam. Riêng tại TCIT, sản lượng container đến thị trường này trong 05 tháng đầu năm 2021 tăng gần 23% so với cùng kỳ năm ngoái. 

14235 TEU_Ky_luc_moi_ve_san_luong_xep_do_tau_me_tai_TCIT
Hình 3: Các thị trường chính xuất – nhập container của cảng TCIT

Kỷ lục xếp dỡ 14.235 TEU trên tàu MEISHAN BRIDGE là minh chứng cho sự tin tưởng của liên minh THE nói riêng, các hãng tàu, khách hàng nói chung khi tiếp tục chọn TCIT là điểm đến tin cậy về chất lượng dịch vụ cũng như năng lực để tiếp nhận những tuyến dịch vụ với sản lượng lớn nhất Việt Nam, tiếp tục khẳng định vị thế cảng nước sâu hàng đầu Việt Nam, đồng thời là nguồn động lực to lớn để TCIT tiếp tục phát huy và phát triển hơn nữa để chinh phục những kỷ lục và thành công mới trong tương lai. Bên cạnh đó, sự kiện này một lần nữa khẳng định chủ trương đúng đắn của Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng Hải Việt Nam, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu trong việc tiếp nhận thử nghiệm những tàu có tải trọng lớn tại khu vực Cái Mép – Thị Vải – khu vực cảng nước sâu lớn nhất của cả nước để đưa vị thế ngành cảng biển Việt Nam vươn tầm thế giới.