Hoạt động kinh doanh

Tân Cảng Sài Gòn đồng hành cùng Doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long khơi thông Dòng chảy hạt gạo Việt Nam

23/06/2022

Tân Cảng Sài Gòn đồng hành cùng Doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long khơi thông Dòng chảy hạt gạo Việt Nam

Sáng ngày 22 tháng 6 tại Thành phố Cần Thơ, Đại diện TCT Tân Cảng Sài Gòn (TCSG) tham dự hội thảo “Khơi thông dòng chảy hạt gạo Việt Nam” cùng với các cơ quan ban ngành, các hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam nhằm đưa ra những giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng lúa gạo, nâng giá trị của hạt gạo Việt Nam.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa gạo lớn nhất của cả nước, đóng góp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của VN, góp phần khẳng định vai trò vị thế xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và công việc cho 65% cư dân nông thôn của vùng.
 

Đại diện các doanh nghiệp, hiệp hôi thảo luận về các điểm nghẽn của ngành lúa gạo

 
Để ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung giữ vị trí xuất khẩu gạo hàng đầu, việc nâng cao chất lượng hạt gạo, tăng sức cạnh tranh về giá, giúp mang lại lợi ích cho nông dân, tăng lợi thế cho doanh nghiệp và nâng cao vị thế của quốc gia.Vấn đề đặt ra cho ngành lúa gạo là cần khơi thông được những “điểm nghẽn” như giống lúa, an toàn thực phẩm, chi phí vật tư sản xuất đầu vào và công nghệ, vốn cho sản xuất và xuất khẩu và hoạt động logistics, …

Tại hội thảo đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội đã đưa ra các giải pháp đầy triển vọng và hữu ích cho việc phát triển sản xuất và xuất khẩu gạo, có thể kể đến là doanh nghiệp Buhler Asia Việt Nam từ Ấn Độ mang đến các giải pháp xử lí gạo sau thu hoạch và công nghệ kỹ thuật số giúp người nông dân có thể cải thiện năng suất thu hoạch và chất lượng gạo; đại diện Ngân hàng Eximbank đưa ra các sản phẩm tài chính hiện đại cùng cam kết đầu tư cho ngành sản xuất và logistics liên quan đến mặt hàng gạo,… Bên cạnh đó với góc tiếp cận chi tiết và khoa học của ông Trần Ngọc Thạch - Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL giúp cho các khách hàng, cơ quan ban ngành, và người xem hiểu hơn về quy trình và đặc điểm của việc sản xuất gạo, từ đó đưa ra những điều chỉnh, cải tiến trong chiến lược kinh doanh sản xuất, đem lại lợi ích cho ngành lúa gạo.
 

Bà Đỗ Thu Hường - Phó Giám đốc Marketing TCT TCSG chia sẻ các giải pháp tăng hiệu quả Logistics của trong xuất khẩu gạo tại ĐBSCL

 
Góp phần đáp ứng phát triển chuỗi cung ứng kết nối vùng trong nước và quốc tế, Bà Đỗ Thu Hường - Phó Giám đốc Marketing đã đưa ra các đề xuất giải pháp của TCSG nhằm tăng hiệu quả logistics trong xuất khẩu gạo tại ĐBSCL, có thể kể đến như:
  • Tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng giao thông: qua việc hoàn thiện các đường cao tốc, giải quyết các điểm thắt về đường thủy, giải pháp cảng feeder quốc tế tại kv ĐBSCL.
  • Chính sách, thiết kế đầu tư các chuỗi cung ứng: Chính quyền địa phương có cơ chế, chính sách tốt, thu hút và tạo điều kiện cho nhà đầu tư phát triển về chuỗi cung ứng hậu cần logistics, …
  • Giải pháp Logistics của TCSG: Lấy khách hàng gạo làm trung tâm, cung cấp đa dạng dịch vụ logistics kết hợp cho hàng gạo (giải pháp đóng hàng và vận tải đa phương thức và logistics trọn gói), Giải pháp toàn diện đưa cảng về gần doanh nghiệp tại ĐBSCL….
Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics mở rộng cho khách hàng xuất khẩu gạo của TCSG

Ngoài ra, TCSG đang xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển dịch vụ logistics mở rộng cho khách hàng gạo như: phát triển tuyến dịch vụ ĐBSCL - Cái Mép; cùng Hãng tàu phát triển dịch vụ depot rỗng; kết hợp với khách hàng tăng cường giao nhận hàng hóa tại các bến thủy nội địa kv ĐBSCL, … Các giải pháp này góp phần tăng hiệu quả logistics và năng lực cạnh tranh của các DN, giúp VN giữ vị thế là quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Cùng với việc đảm bảo an ninh lương thực Quốc gia cũng như gìn giữ giá trị quý báu của hạt gạo Việt Nam.
Đồng hành cùng doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long “Khơi thông dòng chảy hạt gạo Việt Nam” là nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan ban ngành chính phủ, các doanh nghiệp và hiệp hội, cùng chung tay xây dựng và phát triển ngành gạo nói riêng và kinh tế, xã hội vùng ĐBSCL nói chung. Với tinh thần “ Cả nước vì vùng và vùng vì cả nước" theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đạt được mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nắm vững tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, với chủ đề "Đồng bằng sông Cửu Long: Tư duy mới – Tầm nhìn mới – Cơ hội mới – Giá trị mới".