Tân Cảng Sài Gòn sẵn sàng Đồng hành với địa phương phát triển kinh tế biển
23/05/2022
Sáng 22/5, tại TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa dẫn đầu đoàn công tác đến thăm và làm việc tại TCT Tân Cảng Sài Gòn. Đại tá Nguyễn Năng Toàn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch TCT chủ trì tiếp đoàn.
Tại buổi làm việc, TCT Tân Cảng Sài Gòn mong muốn lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tạo điều kiện, có cơ chế ưu đãi cho TCT được đầu tư các dự án phát triển cảng biển, dịch vụ logistics tại địa phương.
Thay mặt đoàn công tác, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến lãnh đạo TCT Tân Cảng Sài Gòn đã tổ chức đón tiếp trọng thị dành cho đoàn công tác. Chứng kiến sự phát triển bền vững của TCT Tân Cảng Sài Gòn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhấn mạnh: “Chuyến thực tế tại TCT Tân Cảng Sài Gòn là cơ sở giúp cho lãnh đạo chủ chốt của tỉnh tìm hiểu thêm về mô hình sản xuất kinh doanh và trao đổi kinh nghiệm về quá trình triển khai, quản lý, vận hành khai thác các dự án cảng, dịch vụ logistics và các ngành kinh tế biển của TCT Tân Cảng Sài Gòn, đây là mô hình doanh nghiệp Quân đội thực hiện đồng thời nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn quốc phòng an ninh”.
Đoàn công tác tham quan hoạt động làm hàng tại Cảng Tân Cảng Cát Lái
Việt Nam là quốc gia có lợi thế về giao thông đường biển, khi gần các tuyến đường hàng hải quốc tế và khu vực. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam phát triển ngành hàng hải, công nghiệp tàu thủy và logistics. Sự hình thành mạng lưới cảng biển cùng các tuyến đường bộ, đường sắt ven biển và nối với các vùng sâu trong nội địa cho phép vận chuyển nhanh chóng, thuận lợi hàng hóa nhập khẩu tới mọi miền của Tổ quốc, cũng như đi đến các nước trong khu vực và thế giới. Bờ biển dài và khúc khuỷu, với 114 cửa sông, khoảng 52 vịnh nước sâu ven bờ miền Trung (vũng, vịnh, đầm phá chiếm 60% chiều dài đường bờ biển), có hơn 100 vị trí có thể xây dựng các cảng biển lớn. Vùng biển Việt Nam nằm tại khu vực có tốc độ phát triển kinh tế cao và là cầu nối giữa nhiều cường quốc kinh tế và chính trị trên thế giới. Với vị trí thuận tiện cho giao thông và các vũng, vịnh kín có độ sâu lớn, rất thuận lợi làm cảng biển; không gian rộng lớn ở ven biển và trên bờ biển thuận lợi để phát triển các khu kinh tế biển.
Quang cảnh buổi làm việc
Đặc biệt, với lợi thế có 102km bờ biển, lại có cảng nước sâu Nghi Sơn, Thanh Hóa đặc biệt chú trọng phát huy thế mạnh trong phát triển kinh tế biển. Do đó, trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa kêu gọi các doanh nghiệp nói chung, TCT Tân Cảng Sài Gòn nói riêng, nghiên cứu phối hợp với địa phương thực hiện các dự án phát triển cảng biển và các dịch vụ logistics, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.
----------
*Nguồn: TCSG.