Tin tức chuyên ngành

Cụm cảng Cái Mép xếp hạng 11 cảng container có chỉ số hoạt động hiệu quả nhất trên thế giới

01/06/2022

Cụm cảng Cái Mép xếp hạng 11 cảng container có chỉ số hoạt động hiệu quả nhất trên thế giới

Trong báo cáo “Chỉ số hoạt động cảng năm 2021” (CPPI 2021) của Ngân hàng Thế giới và Hãng tin Tài chính S&P Global Market Intelligence, Cụm cảng Cái Mép được xếp hạng thứ 11 trên tổng số 370 cảng/ cụm cảng container hoạt động tốt nhất toàn cầu.

*Báo cáo CPPI (The Container Port Performance Index) được xây dựng thường niên nhằm đánh giá về mức độ hiệu quả của các cảng biển trên thế giới, căn cứ trên các tiêu chí đánh giá dựa trên thời gian cần thiết để tàu hoàn thành xếp dỡ container tại cảng được thu thập từ số liệu cung cấp bởi 11 hãng tàu lớn nhất thế giới cho tổng cộng 370 cảng/ cụm cảng container toàn cầu. Bên cạnh đó, yếu tố tàu lớn (tiết kiệm nhiên liệu hơn) và ứng dụng công nghệ thông tin cũng được đưa vào đánh giá.

Việt Nam có một số cảng được xếp hạng trong bảng này, trong đó, cụm cảng Cái Mép được xếp thứ 11 về chỉ số “statistical approach” (theo cách tính thống kê trung bình tất cả 5 nhóm kích cỡ tàu)tăng 38 bậc so với năm 2020xếp thứ 13 về chỉ số “administrative approach” (theo cách tính kỹ thuật, cho trọng số cao hơn cho kích cỡ tàu phổ biến ở cảng đó) – tăng 5 bậc so với năm 2020.

Ngoài cụm cảng Cái Mép, cảng Vũng Tàu của Việt Nam cũng đạt thứ hạng khá cao – 37/370 theo cách tính kỹ thuật.


Hình 1 – Cụm cảng Cái Mép xếp thứ 11 cảng container hoạt động tốt nhất thế giới theo báo cáo CPPI 2021
 
Đặc biệt, cụm cảng Cái Mép của Việt Nam được xếp hạng cao hơn so với 4 cảng trung chuyển lớn trong khu vực là cảng PTP Malaysia (thứ 16), cảng Singapore (thứ 31), cảng Hồng Kông (thứ 38) và cảng Yokohama – Nhật Bản (thứ 12). Từ đó có thể thấy, sự phát triển vượt bậc của các cảng khu vực Đông Á và Đông Nam Á với sản lượng xuất khẩu gia tăng trong thời gian dịch bệnh.

Theo ông Martin Humphreys, chuyên gia kinh tế vận tải hàng đầu và lãnh đạo toàn cầu về kết nối vận tải và hội nhập khu vực tại Ngân hàng Thế giới, sự phát triển của cơ sở hạ tầng cảng container hiệu quả và chất lượng cao là yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của chiến lược tăng trưởng xuất khẩu ở cả các nước đang phát triển và phát triển. Hơn nữa, sự hiệu quả của cảng sẽ đảm bảo tính liên tục trong hoạt động kinh doanh và cải thiện khả năng phục hồi các cửa ngõ hàng hải – nút quan trọng trong hệ thống hậu cần toàn cầu.

Bên cạnh đó, thành công của cụm cảng Cái Mép là khu vực tiên phong đón tàu container siêu lớn với nhiều sự kiện tàu mẹ cập cảng an toàn. Theo Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, trong 3 năm trở lại đây, số lượng tàu container có tổng trọng tải từ trên 80.000 DWT đến 214.000 DWT ra vào cụm cảng Cái Mép tăng. Hiện có 34 tuyến vận tải container quốc tế (11 tuyến nội Á; 3 tuyến đi Châu Âu; 20 tuyến đi Châu Mỹ) vào cảng biển Vũng Tàu.
 

Tại khu vực cụm cảng Cái Mép, Cảng Quốc tế Tân Cảng – Cái Mép (TCIT) thuộc hệ thống Tổng công ty Tân Cảng – Sài Gòn (TCSG) hiện đang nắm giữ 40% thị phần tại khu vực, với 10 tuyến dịch vụ quốc tế hàng tuần kết nối với các cảng ở Bắc Mỹ, Canada, châu Âu và Nội Á.
Năm 2021 vừa qua, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 cũng như những biến động của ngành hàng hải thế giới, cảng TCIT vẫn đạt được những kết quả hết sức khả quan: sản lượng thông qua cảng đạt gần 2,1 triệu TEU (chưa tính sản lượng sà lan), là năm thứ 2 liên tiếp sản lượng thông qua vượt mốc 2 triệu TEU, đón gần 350 lượt tàu mẹ quốc tế, hơn 1.000 lượt tàu feeder và sà lan trung chuyển Campuchia và nội địa, liên tục thiết lập các mốc kỷ lục xếp dỡ tàu mẹ (15.615 TEU) và kỷ lục năng suất xếp dỡ (238,08 cont/ giờ/ tàu).
 


Hình 2 – Cảng quốc tế Tân Cảng – Cái Mép (TCIT) đón một trong những siêu tàu MONACO BRIDGE cập cảng

 
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của mình đối với việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam, cảng TCIT luôn “không ngừng đổi mới, đẩy mạnh hợp tác đầu tư, nâng sức cạnh tranh, kinh doanh hiệu quả”, nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng năng suất giải phóng tàu, tạo dựng niềm tin với các khách hàng, hãng tàu trong nước và quốc tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của chuỗi cung ứng toàn cầu, từng bước nâng tầm vị thế cảng nước nhà trên bản đồ hàng hải thế giới.

*Xem bản đầy đủ của báo cáo tại đây. 

------
(*Nguồn: The Container Port Performance Index 2021, TCIT)