Tin tức chuyên ngành

Tiềm năng phát triển huyện Nhà Bè thành “Đô thị vệ tinh” của TP. HCM dưới góc độ logistics

01/07/2022

Tiềm năng phát triển huyện Nhà Bè thành “Đô thị vệ tinh” của TP. HCM dưới góc độ logistics

Theo Quy họach tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển TP.HCM thuộc nhóm cảng biển số 4, trong đó huyện Nhà Bè được quy hoạch có khu bến Hiệp Phước trên sông Soài Rạp có chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Nam. Với vị trí thuận lợi trên tuyến hàng hải thế giới, TP.HCM nói chung và huyện Nhà Bè nói riêng sở hữu tiềm năng trở thành trung tâm logistics, cảng biển của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, trong đó nhấn mạnh phát triển cụm cảng Nhà Bè – Hiệp Phước thành đô thị cảng, trung tâm logistics quan trọng phía Nam TPHCM.

Sáng 30 tháng 6, tại Huyện Nhà Bè đã diễn ra Hội thảo khoa học “Tiềm năng và triển vọng phát triển huyện Nhà Bè thành đô thị vệ tinh của TP. HCM” do UBND huyện Nhà Bè phối hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM tổ chức. Hội thảo có sự tham dự của Đại diện TCT Tân Cảng Sài Gòn (TCSG), cảng Tân Cảng - Hiệp Phước (TCHP), cùng các cơ quan ban ngành, các lãnh đạo, và hơn 200 nhà chuyên gia, nhà khoa học, các hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn huyện, với mục tiêu xác định tiềm năng, cơ hội, thách thức và đưa ra định hướng, giải pháp nhằm phát triển huyện Nhà Bè theo hướng bền vững và phù hợp với xu thế mới, trở thành Đô thị vệ tinh cho thành phố Hồ Chí Minh.
 

Hình 1 – Toàn cảnh Hội thảo khoa học “Tiềm năng và triển vọng phát triển huyện Nhà Bè thành đô thị vệ tinh của TP. HCM”
 

Chủ trương xây dựng huyện Nhà Bè trở thành khu đô thị thông minh, sinh thái và vệ tinh phát triển phía Nam TP. HCM

 
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè – Ông Triệu Đỗ Hồng Phước cho biết, trong những năm qua, kinh tế - xã hội của huyện Nhà Bè phát triển mạnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 đạt 12,1%/năm; thu ngân sách Nhà nước luôn đạt và vượt kế hoạch được giao hàng năm, tổng thu ngân sách giai đoạn 2015-2020 đạt trên 5.268 tỷ, tự cân đối chi thường xuyên đạt hơn 32%.
Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, phát triển kinh tế - xã hội của huyện Nhà Bè trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của huyện. “Thực tế này đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền huyện Nhà Bè và các cơ quan, tổ chức hữu quan, các chuyên gia, các nhà khoa học cần nghiên cứu một cách khách quan, toàn diện để xác định đúng hướng những tiềm năng, lợi thế, cơ hội, thách thức trong phát triển huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP. HCM) qua các góc nhìn về: Kinh tế đô thị, Hạ tầng đô thị, Quản trị đô thị, Con người đô thị và Văn hóa đô thị - Ông Triệu Đỗ Hồng Phước nhấn mạnh.

Đánh giá tiềm năng phát triển của Nhà Bè, ông Phan Chánh Dưỡng – Chuyên gia kinh tế, Giảng viên Trường Đại học Fulbright đánh giá điều kiện tự nhiên tạo nên sức mạnh của khu vực này bởi “vùng đất nằm trên 5 nhánh sông”: Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè, Lòng Tàu và Soài Rạp. Theo đó, ông đã chỉ ra 8 yếu tố có sẵn tạo nên lợi thế hoàn hảo trong việc xây dựng Nhà Bè thành đô thị vệ tinh của TP. HCM, đó là:
1. Khu chế xuất Tân Thuận 5. Dự án xây dựng trục lộ Bắc Nam nối từ cảng
Hiệp Phước vào nội thành và đường Xuyên Á
2. Đại lộ Nguyễn Văn Linh 6. Cảng nước sâu tổng hợp Hiệp Phước
3. Khu đô thị Nam TP HCM (2.600 ha) 7. Cao tốc Bến Lức (Long An) – Nhơn Trạch (Đồng Nai)
4. Khu Công nghiệp Hiệp Phước (2.000 ha) 8. Chương trình nạo vét sông Soài Rạp

Trong đó, vai trò trọng yếu của cụm cảng Hiệp Phước sẽ tạo cơ hội đột phá về phát triển kinh tế đô thị huyện Nhà Bè, trở thành trung tâm logistics quan trọng phía Nam thành phố. Đây cũng chính là tầm nhìn của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCT TCSG) trong phát triển tiềm năng huyện Nhà Bè thành “đô thị vệ tinh” dưới góc độ của Doanh nghiệp cảng và logistics hàng đầu Việt Nam.
 
Khu công nghiệp - cảng biển Hiệp Phước
Hình 2 – Khu Công nghiệp cảng Hiệp Phước (Nhà Bè)


Phát triển logistics huyện Nhà Bè lấy cảng làm trung tâm

Theo ông Trương Tấn Lộc – Giám đốc Marketing TCT Tân Cảng Sài Gòn, với vị trí thuận lợi trên tuyến hàng hải thế giới, TP.HCM nói chung và huyện Nhà Bè nói riêng sở hữu tiềm năng trở thành trung tâm logistics, cảng biển của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là chủ trương phát triển của chính quyền thành phố và địa phương.
Dựa trên xu hướng ngành khai thác cảng thế giới, ông Lộc đã chỉ ra các lợi ích của việc phát triển Logistics lấy cảng làm trung tâm (port-centric logistics) trong thúc đẩy hoạt động thương mại, tăng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong khu vực:
  1. Tạo chuỗi cung ứng tích hợp cung cấp dịch vụ hiệu quả khi sử dụng các dịch vụ lưu trữ hàng hóa, nguyên vật liệu gần cảng, giúp cắt giảm thời gian và chi phí logistics, tăng tính linh hoạt và cạnh tranh.
  2. Sau giai đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn do dịch Covid-19 và các biến động của thị trường, logistics lấy cảng làm trung tâm cho phép đảm bảo hoạt động thông suốt của chuỗi cung ứng, tận dụng được các nguồn lực trong chuỗi như cảng biển, công ty giao nhận, công ty kho vận, công ty xuất nhập khẩu, công ty sản xuất…
  3. Góp phần thúc đẩy chuyển đổi số do nhu cầu quản trị và phối hợp nhanh, linh hoạt giữa các nhân tố trong chuỗi, tạo động lực giúp các doanh nghiệp tăng cường áp dụng công nghệ để theo kịp xu hướng.
Theo Quy họach tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển TP. HCM thuộc nhóm cảng biển số 4, trong đó huyện Nhà Bè được quy hoạch có khu bến Hiệp Phước trên sông Soài Rạp và khu bến Nhà Bè năm trên sông Nhà Bè, có chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Nam. Khu bến Hiệp Phước được quy hoạch đón tàu tải trọng đến 70.000 DWT, khu bến Nhà Bè được quy hoạch đón tàu tải trọng đến 45.000 DWT, tàu khách đến 60.000 GT. Có thể thấy, định hướng phát triển cảng biển khu vực TPHCM sẽ dịch chuyển luồng hàng hóa ra khỏi khu trung tâm, phát triển cụm cảng hậu phương kết nối khu vực ĐBSCL, Cái Mép, đồng thời phát triển các cảng quy mô lớn để đón luồng hàng trung chuyển từ khu vực lân cận.
 
Như vậy, với lợi thế về vị trí địa lý và các quỹ đất quy hoạch quanh cảng, cụm cảng Hiệp Phước có tiềm năng lớn trong việc phát triển các dịch vụ logistics cho khu vực Nhà Bè, ĐBSCL, kết nối đường thủy với cụm cảng Cái Mép làm hậu phương vững chắc cho hoạt động xuất nhập khẩu của miền Nam.
Định hướng này cũng hoàn toàn phù hợp theo Kế hoạch phát triển ngành logistics trên địa bàn TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030: huyện Nhà Bè được quy hoạch có Trung tâm Logistics Hiệp Phước với quy mô hơn 250 ha, chức năng làm Trung tâm phân phối hàng thương mại điện tử, hàng nội địa. Tầm nhìn nhìn của TP.HCM cũng theo xu hướng của thế giới khi phát triển trung tâm logistics hậu cảng, gắn hoạt động logistics với hoạt động khai thác cảng, nhằm tận dụng tối đa tiềm năng trong chuỗi.
 

Hình 3 – Ông Trương Tấn Lộc – Giám đốc Marketing TCT Tân Cảng Sài Gòn cùng Tiến sĩ Nguyễn Đức Trí – Chuyên gia kinh tế, Giảng viên Trường ĐH Kinh Tế TPHCM tại buổi Hội thảo
 

Cảng Tân Cảng – Hiệp Phước – tiềm năng phát triển trung tâm logistics trọng điểm phía Nam TP. HCM


Hiện nay, Tân Cảng Sài Gòn đã và đang áp dụng thực hiện liên kết vùng trong không gian kinh tế, cụ thể trong lĩnh vực logistics hậu cảng, trong đó cảng Tân Cảng - Hiệp Phước (TCHP) – được định vị là “cánh tay nối dài” tốt nhất cho cụm cảng Cát Lái và cụm cảng Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu).
 
Với ưu thế về vị trí chiến lược – cách trung tâm TP. HCM 10 km, nằm ngay khu Công nghiệp Hiệp Phước và gần các kho chứa hàng đông lạnh (kho Lotte, Alpha, Dory, nhà máy Saigon Food…), cảng TCHP cung cấp các lợi thế tối ưu về thời gian và chi phí khi đưa tàu vào làm hàng tại cảng, như:
  • Không hạn chế về thời gian hạ bãi chờ xuất sớm, miễn phí lưu bãi container;
  • Miễn phí vận chuyển container hàng bằng sà lan qua lại giữa cảng TCHP và cảng Tân Cảng – Cát Lái (TCCL), ICD liên kết để phục vụ xuất, nhập tàu tại cảng TCHP
  • Miễn phí vận chuyển container rỗng bằng sà lan từ cảng Cát Lái đến cảng TCHP để đóng hàng sau đó xuất tàu
  • Miễn phí vận hành 12 giờ cho container hàng lạnh hạ bãi cảng Tân Cảng – Hiệp Phước xuất tàu tại Tân Cảng – Cát Lái…

Hình 4 – Đón và làm hàng tàu container tại cảng Tân Cảng – Hiệp Phước
 
Với chiều dài cầu bến 420m, nằm trên Sông Soài Rạp, cảng TCHP được thiết tiếp nhận tàu với tải trọng lên đến 50.000 DWT (độ sâu -11.3m). Đặc biệt với 7 cặp phao trên sông Soài Rạp có khả năng đón tàu từ 30.000 tấn – 40.000 tấn, diện tích bãi 17ha. Cảng TCHP đã và đang triển khai các dịch vụ: hàng tổng hợp cho các mặt hàng gạo, phân bón, sắt thép, thạch cao, xi măng, cá ngừ đông lạnh…và hàng dự án điện gió, hàng siêu trường siêu trọng với sản lượng trên 350,000 tấn/năm cho các khách hàng, đối tác lớn như Vinafood 1, Đạm Phú Mỹ, Đạm Ninh Bình, Phân Bón Miền Nam, DAP Đình Vũ, Mekong logistics, Tôn Hoa Sen, Tôn Nam Kim, IPC….

Cùng với sự gia tăng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam, đã cộng hưởng cho tiềm lực phát triển của TCHP trở thành đầu mối kết nối và là địa điểm thông quan hàng hóa thuận lợi tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng trọng điểm ĐBSCL. Nhờ nhu cầu vận chuyển đường biển ngày càng cao, hiện nay cảng TCHP đang nhận được sự quan tâm của các hãng tàu lớn như: Cosco, TSL, Wanhai, OOCL, ONE … để mở các tuyến dịch vụ mới, mở ra cơ hội thúc đẩy ngành khai thác cảng và dịch vụ hậu cảng tại khu vực.
 
Hình 5 – Khai thác tàu hàng rời cá ngừ tại cảng Tân Cảng – Hiệp Phước
Đầu tư và phát triển trung tâm Logistics theo quy hoạch xây dựng Đô thị cảng Hiệp Phước, từ đó hoàn thành khu đô thị vệ tinh phía Nam (Quận 7 và Nhà Bè), tạo điều kiện mở rộng không gian vùng đô thị TP. Hồ Chí Minh ra biển mang ý nghĩa to lớn, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Nhận định rõ điều đó, Tân Cảng Sài Gòn đã đóng góp một số kiến nghị trong tham luận tại Hội thảo nhằm thu hút các doanh nghiệp phát triển cơ sở hạ tầng logistics hậu Cảng, cần lưu ý các yếu tố: Ưu đãi thuế, hỗ trợ chính sách đất đai, nâng cấp cơ sở hạ tầng đường bộ, kết nối vận tải đa phương thức, cải thiện môi trường kinh doanh, tổng hợp các nguồn lực, ứng dụng và đổi mới công nghiệp, đầu tư của chính phủ và hỗ trợ tài chính của các ngân hàng và các chính sách hỗ trợ Logistics cho ngành nông nghiệp và công nghiệp phụ trợ.