Xuất khẩu Rau Quả năm 2017: 3 Tỷ USD trong tầm tay
10/02/2017
Tiếp theo đà tăng trưởng xuất khẩu tới 30% trong năm 2016, với kim ngạch xuất khẩu 2,4 tỷ USD, xuất khẩu mặt hàng rau quả trong tháng 1/2017 tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tháng 1/2017, xuất khẩu rau quả đã mang về 230 triệu USD, tăng 14%. Dự báo xuất khẩu rau quả trong năm nay sẽ đạt khoảng 3 tỷ USD.
Từ vị trí là mặt hàng khiêm tốn, rau quả đã có bước tiến đáng kể để trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Hiện nay, các sản phẩm rau quả của Việt Nam đã vươn xa tới gần 60 thị trường trên thế giới. Riêng các loại trái cây như vải thiều, chôm chôm, thanh long, xoài, nhãn… của Việt Nam đã có mặt tại những thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Cần phải nói thêm rằng, năm 2016, lần đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu rau quả vượt qua kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gạo (2,4 tỷ USD so với 2,2 tỷ USD).
Ông Bùi Sỹ Doanh, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, năm 2016 có hơn 10.500 tấn hoa quả tươi được kiểm dịch để xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản, tăng gấp đôi so với 2015. Trong đó, sản lượng thanh long sang Mỹ tăng gấp đôi, xoài sang Hàn Quốc tăng gấp đôi.
Ngay đầu tháng 1/2017, Australia đã công bố bản báo cáo cuối cùng về việc đánh giá các yêu cầu an toàn sinh học đối với trái thanh long Việt Nam. Theo đó, cơ quan chức năng của Australia và Việt Nam sẽ tiến hành các bước cuối cùng để thiết lập quy trình hoạt động tiêu chuẩn cho các cơ sở xử lý thanh long bằng hơi nước và hoàn tất điều kiện nhập khẩu với trái thanh long từ Việt Nam.
Trong khi đó, không ít nhà nhập khẩu từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã tìm đến với Việt Nam để tìm các nhà cung ứng. Đơn cử, Tập đoàn Meika Shoji (Nhật Bản) đang tìm kiếm nhà xuất khẩu chuối Việt Nam với số lượng lớn để tiêu thụ tại Nhật.
Được biết, thị trường Nhật Bản có nhu cầu cao với chuối, với sức tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn/năm. Philippines hiện đứng đầu về xuất khẩu chuối sang Nhật Bản, chiếm hơn 80% thị phần. Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam có nguồn cung chuối đáp ứng tiêu chuẩn nhập khẩu của Nhật Bản có cơ hội lớn, bởi thị trường này đang đa dạng hóa nguồn cung ứng.
Tăng cường quảng bá, tìm kiếm đối tác qua thương mại điện tử
Công ty cổ phần Tập đoàn EDX (có trụ sở tại 643A - Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đang hoạt động khá mạnh với các dịch vụ tư vấn xuất khẩu, trong đó có tư vấn xuất khẩu mặt hàng trái cây qua thương mại điện tử.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Đình Huy, lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn EDX cho hay, đã có hàng ngàn doanh nghiệp là khách hàng của EDX, trong đó, số lượng doanh nghiệp sản xuất, chế biến rau quả chủ động tìm đến Công ty để được hỗ trợ tìm kiếm đối tác xuất khẩu ngày càng gia tăng.
EDX và đại diện Alibaba tại Việt Nam đã kết hợp với Hiệp hội Trái cây và Rau quả Việt Nam để làm cầu nối quảng bá hình ảnh sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội xuất khẩu rau quả Việt Nam ra thế giới. Thông qua kết nối của EDX, không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã thành công trong việc xuất khẩu trái cây, rau quả sang các thị trường khó tính.
Theo đó, EDX chuyên cung cấp gói Gold Supplier phiên bản quốc tế dành cho các doanh nghiệp toàn quốc. Đây chính là công cụ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội khai thác kinh doanh trực tuyến, tăng cường xuất khẩu hàng hóa.
“EDX đã giúp kết nối nhiều doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu trái cây, rau củ quả, tiếp thêm động lực để các nhà sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh quảng bá sản phẩm tới khách hàng quốc tế”, ông Huy nói.
Ông Lê Văn Ánh, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu rau quả 1 cho biết, Công ty bắt đầu tham gia thành viên miễn phí trên Alibaba từ năm 2003, thời điểm mà việc tìm kiếm đối tác xuất khẩu qua thương mại điện tử còn khá mới mẻ. Ngay tháng đầu tiên tham gia Alibaba, Công ty đã tìm kiếm được đối tác để xuất khẩu lô hàng dưa chuột ngâm dấm cho khách hàng tại Estonia.
Vẫn theo ông Huy, cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm bạn hàng qua sàn thương mại điện tử ngày càng gia tăng, do các nhà nhập khẩu tại nhiều quốc gia muốn trực tiếp tiếp cận nhà xuất khẩu và nguồn hàng.
Trong khi đó, theo thông tin trên Alibaba.com, gần đây, Alibaba.com thường xuyên tiếp nhận yêu cầu trực tiếp từ các tập đoàn lớn trên thế giới về việc tim kiếm các nhà cung cấp thuộc nhiều ngành hàng khác nhau của Việt Nam, trong đó có cả các tên tuổi lớn như Kmart, Carrefour, Walmart…
Các loại trái cây, rau củ Việt Nam cũng được đánh giá vẫn còn nhiều dư địa để xuất khẩu trong năm 2017 và những năm kế tiếp. Quan trọng hơn, tăng trưởng xuất khẩu của mặt hàng rau quả đã tiếp thêm động lực để thu hút thêm các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất, chế biến.
Như vậy, ngoài yếu tố chất lượng, tuân thủ các quá trình đòi hỏi nghiêm ngặt từ các thị trường nhập khẩu khó tính như Mỹ, Australia…, xuất khẩu rau quả tăng trưởng vững chắc còn nhờ sự chủ động của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến rau quả tại Việt Nam trong việc tìm kiếm các kênh quảng bá, tìm kiếm đối tác nhập khẩu.
Trong bối cảnh thị trường Trung Quốc hiện chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam, việc có thêm thị trường xuất khẩu mới, với các sản phẩm chất lượng cao như xoài, vải thiều, chuối, thanh long… sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu giảm thiểu rủi ro khi quá phụ thuộc vào một thị trường, đồng thời tạo cơ hội để gia tăng xuất khẩu.