Đại diện Việt Nam tái đắc cử Chủ tịch hội đồng cố vấn cảng biển Châu Á - Thái Bình Dương
26/10/2024
Từ ngày 21 đến 26-10, tại Kota Kinabalu, Sabah, Malaysia, HỘI ĐỒNG MẠNG LƯỚI DỊCH VỤ CẢNG BIỂN CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG (APSN) và Cục Hàng hải Malaysia đã đăng cai tổ chức chuỗi sự kiện thường niên và Diễn đàn Hội đồng mạng lưới dịch vụ cảng biển APEC 2024 với chủ đề “Hành Lang hàng hải xanh".
Toàn cảnh Diễn đàn Hành lang hàng hải xanh Hội đồng mạng lưới dịch vụ cảng biển APEC 2024 tại Sabah, Malaysia
Diễn đàn Hội đồng mạng lưới dịch vụ cảng biển APEC 2024 gồm chuỗi các sự kiện: Họp Hội đồng cố vấn mạng lưới dịch vụ cảng APEC lần thứ 13; Cuộc họp lần thứ 16 của Hội đồng mạng lưới dịch vụ cảng biển APEC, và Diễn đàn “Hành lang hàng hải xanh” (diễn đàn Hội đồng mạng lưới dịch vụ cảng biển APEC 2024).
Tại phiên họp Hội đồng cố vấn, đại biểu các Quốc gia tham dự và các thành viên trong Hội đồng đã tín nhiệm và bầu Đại tá Bùi Văn Quỳ - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn tiếp tục tái đắc cử vị trí Chủ tịch Hội đồng cố vấn mạng lưới dịch vụ cảng biển APEC nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp với sự đồng thuận 100%.
APSN đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam trong nhiệm kỳ của mình với nhiều ý tưởng, các giải pháp thiết thực nhằm tăng cường hợp tác giữa các cảng thành viên APEC trên nhiều phương diện, đặc biệt là là ý tưởng chủ đề Hành lang vận tải xanh cho Diễn đàn APSN 2024.
Trong khuôn khổ Hội đồng Cố Vấn, các đại biểu đến từ các nền kinh tế APEC đã cập nhật các thông tin liên quan đến ngành hàng hải thế giới trong năm 2024. Đại diện Việt Nam cũng đã chia sẻ các thông tin về tình hình kinh tế, nhấn mạnh sự tăng trưởng vững chắc trong năm 2024, cũng như sự phát triển của ngành cảng biển tại Việt Nam với động lực mới là các dự án mới hiện đang được xây dựng (như cụm cảng khu vực Lạch Huyện, Hải Phòng và cụm cảng Cái Mép tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu).
Đại tá Bùi Văn Quỳ tái đắc cử vị trí Chủ tịch Hội đồng cố vấn Mạng lưới dịch vụ Cảng APEC nhiệm kỳ 2024-2027
Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) và các mục tiêu cụ thể của từng quốc gia đòi hỏi một cách tiếp cận mang tính hợp tác. Các quyết định phải có sự tham gia của nhiều bên liên quan, từ các cơ quan chính phủ, cơ quan cảng và chủ tàu. Và các nhóm giải pháp đang được các bên liên quan nghiên cứu, triển khai được xây dựng trên bốn lĩnh vực trọng tâm chính: Nhiên liệu, cảng, tàu và tối ưu hóa hành trình.
Sáng kiến Hành lang hàng hải xanh cung cấp một giải pháp đầy hứa hẹn cho mục tiêu này. Chúng có khả năng huy động các bên liên quan chính và các khoản đầu tư và cơ sở hạ tầng cần thiết. Từ khi ra đời vào tháng 1/2022, đến nay, trên toàn thế giới đã có 45 hành lang hàng hải xanh được thành lập, với mục tiêu chính là cung cấp những tuyến hàng hải xanh, trong đó các phương tiện vận tải biển sẽ vận hành bằng những nguyên liệu thân thiện với môi trường, với sự hỗ trợ của các cảng biển trong hải trình trong việc cung cấp hạ tầng phù hợp, cùng như các chuỗi cung ứng nhiên liệu xanh, một trong những vấn đề cấp thiết nhất trong nỗ lực xanh hoá ngành vận tải biển.
Hội nghị thảo luận trong cuộc họp lần thứ 16 của Hội đồng cảng biển APEC
Tại Hội nghị, Hội đồng cố vấn đã thống nhất và đề xuất các định hướng: Chủ đề chính cho Diễn đàn năm 2025 là: “Cảng biển thịnh vượng - chia sẻ tương lai." (Better ports industry share future) và “Ngành cảng biển và trách nhiệm xã hội" (The Port Industry and Society); Cùng với nhóm các đề xuất kiến nghị nhằm tăng cường sự hợp tác giữa các cảng thành viên trong khối APEC như: Trao đổi và tham quan thực tế, học hỏi kinh nghiệm từ các cảng hiện đại, tự động hóa, cảng xanh; hợp tác đào tạo và trao đổi chuyên môn với các trung tâm nghiên cứu, học viện và các trường hàng hải của các nền kinh tế thành viên.
Đại diện Cảng Gemadept Dung Quất vinh dự nhận giải thưởng Cảng Xanh GPAS 2024
Đồng thời, bên cạnh giải thưởng cảng xanh đang được thực hiện cho các nhà khai thác cảng, Hội đồng cố vấn đề xuất mở rộng Hệ thống Giải thưởng Cảng xanh (GPAS) cho các đối tượng là các doanh nghiệp vận tải biển, công ty logistics, và các bên liên quan gắn liền với hoạt động sản xuất tại cảng biển và có đóng góp tích cực cho cộng đồng, xã hội với các tiêu chí đánh giá được cập nhật trong cuộc họp tiếp theo của Hội đồng.
Trong khuôn khổ diễn đàn Hành lang hàng hải xanh 2024, Hội đồng mạng lưới dịch vụ cảng APEC đã trao giải thưởng Cảng Xanh cho đại diện 14 cảng biển đến từ các cảng biển thuộc các quốc gia Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam, ghi nhận nỗ lực không ngừng nghỉ của cộng đồng cảng biển APEC trong nỗ lực xanh hoá, giảm phát thải của ngành vận tải biển. Sau Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và Cảng Tân Cảng Quốc Tế Cái Mép, Gemadept Dung Quất là doanh nghiệp cảng biển Việt Nam tiếp theo vinh hạnh nhận giải thưởng này.
Chủ tịch Hội đồng cố vấn của Hội đồng mạng lưới dịch vụ cảng APEC chủ trì phiên thảo luận ngày 2510
Xuyên suốt 2 phiên đầu của Diễn đàn Hành lang hàng hải xanh Hội đồng mạng lưới dịch vụ cảng APEC, phần trình bày của các diễn giả đến từ nhiều lĩnh vực trong ngành vận tải biển như khai thác cảng, vận hành đội tàu, tư vấn công nghệ, các doanh nghiệp năng lượng … đã cung cấp cho khách mời tham dự sự kiện một bức tranh toàn diện về 45 Hành lang hàng hải xanh đã trên thế giới, cùng với những cơ hội mà sáng kiến này mang lại cho hệ thống cảng biển trong việc đầu tư hạ tầng, xây dựng chuỗi cung ứng nhiên liệu vận tải xanh; cũng như chỉ ra những khó khăn, thách thức và rào cản về thể chế, quy định quản lý của từng quốc gia cũng như thực trạng tài chính của các bên liên quan.
Tại phiên 3 của diễn đàn, dưới sự điều hành của Chủ tịch Hội đồng cố vấn mạng lưới dịch vụ cảng APEC, các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận về các cơ hội, thách thức về công nghệ, thể chế liên quan… Sau phiên thảo luận sôi nổi, các nhóm đã trình bày trước hội nghị rất nhiều đề xuất kiến nghị liên quan đến đề xuất đối tượng chủ trì xây dựng thể chế cho hành lang hàng hải xanh tại các quốc gia, các nhóm giải pháp phát triển công nghệ, kỹ thuật cũng như các cơ chế tài chính hỗ trợ các bên trong quá trình xây dựng và phát triển cảng xanh, với một thông điệp xuyên suốt với tất cả các bên liên quan rằng “Việc xây dựng hành lang hàng hải xanh phải dựa trên sự hài hoà lợi ích, góp phần vào việc thu hẹp khoảng cách giữa các nền kinh tế trong hành trình chuyển đổi xanh”
Tại phiên 4 của diễn đàn là ngày cuối cùng diễn ra chuỗi sự kiện, Đại tá Bùi Văn Quỳ đã chủ trì phiên thảo luận tập trung vào xác định những thách thức, bên cạnh đó các quốc gia thành viên cần tận dụng thắt chặt sự hớp tác quốc tế để đồng thời tìm kiếm các cơ hội đổi mới và áp dụng các công nghệ trong công cuộc thúc đẩy phát triển “Hành lang hàng hải xanh”.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội nghị
Việc thực hiện “Hành lang hàng hải xanh” sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các bên liên quan, đặc biệt là các cảng được học tập kinh nhiệm của các quốc gia tiên tiến, các cảng hiện đại trên thế giới để áp dụng và phát triển các cơ sở tại các quốc gia đang phát triển. Để có thể triển khai một Hành lang hàng hải xanh một cách đồng bộ: các Hãng tàu cần có sự xanh hoá đội tàu; các cảng nâng cấp chuyển đổi số và chuyển đổi xanh; Khách hàng đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh để có thể xuất khẩu hàng hoá ra thế giới và tiếp cận các thị trường lớn. Từ khi Việt Nam tham gia vào Hội đồng cảng biển APEC, Việt Nam đề cao các hoạt động mang tính kết nối và hợp tác giữa các thành viên các nước trong khu vực. Ngoài ra, Đại diện Việt nam kiến nghị sáng kiến Quỹ hỗ trợ cho hoạt động phát triển hành lang vận tải xanh, từ đó các cảng từ các nền kinh tế phát triển có thể hỗ trợ cho các cảng từ các nước đang phát triển.
Bế mạc sự kiện Diễn đàn Hội đồng mạng lưới dịch vụ cảng APEC 2024 “Hành lang hàng hải xanh
Do đó, tiêu chí xanh được xác định là một trong những tiêu chí cho tương lai trong lộ trình tiến tới Net-zero 20250. Các cảng thành viên trong khối APEC nói riêng và trên thế giới nói chung đang nỗ nực tích cực, đặc biệt là chủ đề Diễn đàn Hội đồng mạng lưới dịch vụ cảng APEC 2024 năm nay tập trung vào các phân tích cơ hội, thách thức và sự hợp tác Quốc tế giữa các cảng trong cộng đồng Châu Á Thái Bình Dương để cùng nhau xây dựng các tuyến Hàng hải xanh, Cảng xanh, Logistics xanh, và hệ thống chuỗi cung ứng xanh để đạt hiệu quả cao cũng như có trách nhiệm với cộng đồng và bảo vệ môi trường.