Tin tức chuyên ngành

Vận tải đường thủy: Giải pháp cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp

19/03/2023

Vận tải đường thủy: Giải pháp cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp

Logistics xanh là một khái niệm đã và đang trở nên phổ biến trong ngành vận tải toàn cầu, với mục tiêu giảm thiểu tác động của hoạt động logistics đến môi trường, tăng tính hiệu quả của quá trình sản xuất và tăng cường sức cạnh tranh bền vững của các doanh nghiệp. Vậy tại Việt Nam, phương thức vận tải xanh nào mang lại lợi ích thực tiễn và tối ưu mục tiêu vận tải bền vững?

VẬN TẢI XANH
Xu hướng toàn cầu trong ngành Logistics

Để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, “Logistics xanh” đã trở thành một xu hướng của ngành vận tải toàn cầu.
 

Theo các chuyên gia, logistics xanh là một trong những phương thức tốt nhất để tạo ra giá trị bền vững của chuỗi cung ứng khi cân bằng giữa hiệu quả Kinh tế, lợi ích Xã hội và Môi trường. Ba mục tiêu này không loại trừ mà ngược lại còn củng cố lẫn nhau. Mọi nỗ lực của logistics xanh đều tập trung đóng góp và đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
“Logistics xanh” chính là xu hướng tất yếu và là tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển bền vững của toàn ngành và của các doanh nghiệp.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đang hướng đến việc phát triển Logistics xanh nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Thông qua Hội nghị Bộ trưởng Giao thông Vận tải Châu Âu (ECMT) năm 1992, báo cáo khuyến nghị đã được đưa ra nhằm đề xuất nước thành viên trong Liên minh Châu Âu xem xét chuyển đổi vận chuyển hàng hóa đường bộ sang các phương thức thân thiện với môi trường và tăng cường sử dụng vận tải thủy nội địa.
Trên cơ sở đó, hiện nay các quốc gia tại châu Âu đã và đang tập trung đầu tư vào các dự án phát triển công nghệ tiên tiến và tăng cường áp dụng các phương tiện vận tải xanh, như: xe/tàu điện, xe hydro, xe chạy bằng khí hóa lỏng, tàu chạy bằng năng lượng mặt trời và đặc biệt là phương tiện vận tải đường thủy.

 
VẬN TẢI THỦY NỘI ĐỊA
Giải pháp tối ưu lợi ích môi trường và kinh tế

 
Tại Việt Nam, trong bối cảnh hệ thống vận tải hàng hóa đường bộ kết nối các vùng kinh tế trọng điểm đang cho thấy những dấu hiệu quá tải, cùng với việc Việt Nam đang cam kết với quốc tế về chống biến đổi khí hậu, cắt giảm khí CO2, thì vận tải đường thủy đã trở thành giải pháp ưu việt, mang lại nhiều lợi ích cho cả môi trường và kinh tế, đồng thời đem lại nhiều tiềm năng và cơ hội cho ngành logistics Việt Nam trong tương lai.
 
  • Tiết kiệm chi phí logistics, lợi ích gia tăng cho doanh nghiệp
Vận tải đường thủy tiết kiệm nhiên liệu tiêu thụ trên mỗi tấn dặm hàng hóa được vận chuyển (Một tấn-dặm tương đương với một tấn hàng hóa di chuyển một dặm) gần gấp 4 lần so với vận tải đường bộ (Với cùng 1.000 tấn hàng hoá được vận chuyển: vận tải thuỷ tiêu thụ ~11,92 lít nhiên liệu, vận tải bộ tiêu thụ ~31,53 lít nhiên liệu).
Điều này, giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển và tăng hiệu quả kinh tế cho các doanh nghiệp logistics. Đồng thời tăng tính chủ động trong điều phối hàng hóa, đảm bảo được chuỗi cung ứng thông suốt cũng như kế hoạch xuất nhập khẩu đặc biệt những giai đoạn cao điểm khi lượng hàng tăng cao.
 
  • Tăng cường hiệu quả vận chuyển
Giải pháp vận tải đường thủy bằng sà lan có khả năng vận chuyển hàng hoá với khối lượng lớn và khoảng cách xa. So với vận tải đường bộ chỉ có khả năng vận chuyển tối đa 1-2 container/phương tiện, vận tải thủy tối ưu vận chuyển lên đến 150 container/sà lan. 
 
  • Giảm thiểu tác động đến môi trường
Với lượng nhiên liệu tiêu tốn ít hơn, vận tải đường thủy góp phần giảm thiểu đến 75% lượng khí thải độc hại gây ô nhiễm môi trường so với vận tải đường bộ; giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn, tạo môi trường sống lành mạnh hơn cho cộng đồng, đem lại lợi ích bền vững cho xã hội.
 
  • Giảm tải cho hệ thống giao thông đường bộ, tránh được các sự cố tai nạn giao thông trong quá trình vận chuyển.

Giải pháp chuỗi Vận tải xanh – kết nối Hệ sinh thái cảng & logistics Tân Cảng Sài Gòn

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã và đang nỗ lực xây dựng và đầu tư vào chuỗi cung ứng thân thiện với môi trường như một lợi thế cạnh tranh trong việc mở rộng thị trường. Logistics xanh là một trong những giải pháp mang lại giá trị kinh tế cho các khách hàng xuất nhập khẩu và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, điển hình là TCT Tân Cảng Sài Gòn (TCSG).

Phát huy năng lực và lợi thế của doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực khai thác cảng và dịch vụ Logistics, những năm qua TCSG luôn thể hiện vai trò tiên phong trong xây dựng Cảng Xanh, Logistics Xanh. Vận hành chiến lược “mang cảng đến gần khách hàng” dựa trên hệ sinh thái cảng và logistics, TCSG đã triển khai thành công giải pháp vận tải xanh (đa phương thức thủy – bộ kết hợp) với sự phối hợp của Vận tải thủy Tân Cảng – đơn vị quản lý và khai thác hơn 100 sà lan từ 24 TEU đến 198 TEU, với tổng công suất 9.950 TEU/lượt trải dài Bắc – Nam:
  • Giải pháp kết nối Khu vực trọng điểm phía Nam và Đồng bằng Sông Cửu Long: Cung cấp dịch vụ vận tải thủy bằng sà lan từ cụm Cảng Cái Mép/ TP. HCM và hệ thống cảng Cần Thơ sang Campuchia.
  • Giải pháp kết nối khu vực trọng điểm phía Bắc – cụm cảng Hải Phòng: Vận tải đa phương thức thủy – bộ kết hợp, thông suốt tuyến Bắc Ninh – Hải Phòng với điểm trung chuyển tại Cảng cạn Tân Cảng - Quế Võ (Bắc Ninh) – trung tâm kết nối hàng hoá giữa khu vực Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nội với các cảng biển khu vực Hải Phòng.
 
Sự ủng hộ và đồng hành từ các chính sách của chính phủ
Kể từ 1/1/2023, phí hạ tầng cảng biển áp dụng cho hàng hóa ra vào khu vực cảng biển Hải Phòng bằng phương tiện thủy nội địa được giảm 50% (Theo Nghị Quyết số 21/2022/NQ-HDND ban hành ngày 09/12/2022 bởi HĐND Thành phố Hải Phòng).
Chính sách này sẽ là động lực thúc đẩy khách hàng sử dụng dịch vụ vận tải thủy nội địa, đặc biệt tại hành lang số 1 kết nối Cụm cảng Hải Phòng và Cảng cạn Tân Cảng Quế Võ.
Với các giải pháp kết nối hệ thống theo xu hướng Logistics xanh, Tân Cảng Sài Gòn đã và đang phát triển toàn diện theo xu hướng của thế giới, đóng góp vào việc bảo vệ môi trường, tăng giá trị lợi ích cho khách hàng, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp và xã hội.

ô